Sau khi bão số 10 đổ bộ vào đất liền, hiện nay tại tỉnh Quảng Trị gió đã giảm, trời vẫn tiếp tục mưa, có nơi mưa to. Lượng mưa phổ biến trên địa bàn tỉnh từ 200 - 300 mm, có nơi lên hơn 370mm.

Mực nước lũ trên các sông, suối đang tiếp tục dâng cao. Tỉnh Quảng Trị đang di dời khẩn cấp hàng ngàn hộ dân nguy cơ bị lũ quét, lũ ống ra khỏi vùng nguy hiểm.

vov_bao_1_yoto.jpg
Lãnh đạo địa phương đi kiểm tra các vùng sạt lở.
Tại huyện Đakrông có 4 xã bị cô lập do nước sông dâng cao. Một số tuyến đường liên xã bị chia cắt. Đến thời điểm này, các địa phương sơ tán gần 1.000 hộ dân với khoảng 5.000 dân tại các vùng nguy hiểm nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Ông Võ Thanh, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết, đến nay địa phương đã di dời 520 hộ dân với gần 3.000 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc ven sông Sê Pôn đến nơi an toàn; các lực lượng đang tập trung khắc phục sạt lở trên các tuyến đường tỉnh lộ và về thôn bản giúp dân.

“Với phương châm tại chỗ, chúng tôi đã có phương án cùng với Bộ đội Biên phòng và lãnh đạo các xã về từng thôn bản để vận động nhân dân, đặc biệt các bản dọc sông Sê Pôn. Ở Hướng Hóa, sau hoàn lưu của bão thì mưa lớn, nước trên sông Sê Pôn dâng cao” - ông Võ Thanh cho biết thêm.

Nước sông dâng cao khiến một số xã miền núi của tỉnh Quảng Trị bị cô lập.
Hiện nay, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị tiếp tục phân công lực lượng bám sát các địa bàn xung yếu có nguy cơ lũ quét, ngập lụt.

Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị cho hay, các địa phương đã chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm phòng khi lũ chia cắt.

“Theo phương án đã di chuyển những hộ gia đình từ vùng trũng, vùng thấp lên ở vùng cao đảm bảo tính mạng con người cũng như cơ sở vật chất. Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh đã phân công các đoàn cùng bám sát cơ sở chỉ huy, huy động mọi lực lượng ứng cứu kịp thời, chủ động các phương án để tránh thiệt hại” – ông Võ Văn Hưng cho biết./.