Ngay khi có thông tin về cơn bão số 5 có tên quốc tế là Côn Sơn trên Biển Đông, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã liên tục có các cuộc họp trực tuyến với các địa phương dự báo trong vùng ảnh hưởng. Theo đó, tổ chức nhắn tin đến 5,8 triệu thuê bao và 2,9 triệu tin nhắn zalo; kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn đảm bảo an toàn trên biển cho 71.500 tàu thuyền với khoảng 350.000 người biết thông tin của bão; kịp thời cứu hộ, cứu nạn 18 người và 2 phương tiện bị chìm.
Đồng thời, chỉ đạo các địa phương lên kế hoạch sơ tán tại chỗ vừa đảm bảo an toàn thiên tai và dịch Covid-19 đối với 11.000 hộ dân với gần 33.000 người, và tiến hành sơ tán sát với tình hình thực tế. Ngoài ra đã cho tạm dừng thi công các công trình để tránh xảy ra sự cố như: Thủy điện Rào Trăng 3 vào năm 2020, trong đó có 27 Dự án điện gió ở Quảng Bình và Quảng Trị; đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập, lưới điện…
Cùng với đẩy mạnh thông tin, Bộ Y tế cũng đã kịp thời có hướng dẫn các tỉnh, thành phố trong khu vực ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão khẩn trương xây dựng phương án sơ tán người dân vùng có nguy cơ cao, bảo đảm an toàn khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Nguyễn Huy Minh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ Y tế cho biết: "Khu vực sơ tán dân cần rà soát, test nhanh, sàng lọc trong quá trình sơ tán. Với những người có nguy cơ cao thì cần tách riêng để tránh lây chéo. Cùng với đó là bảo đảm các điều kiện về sơ tán an toàn phòng dịch Covid-19 theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, trang bị đầy đủ khẩu trang, thiết bị, vật tư y tế để chăm sóc sức khoẻ cho người dân nói chung và lực lượng phòng chống dịch trong thời gian ảnh hưởng của bão số 5".
Chia sẻ về kinh nghiệm nhiều quốc gia về phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, ông Lý Phát Việt Linh, chuyên gia về giảm nhẹ thiên tai Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho rằng: "Ứng phó thiên tai trong điều kiện dịch Covid-19 cũng làm giống như chúng ta đang áp dụng tại Việt Nam. Đó là làm thế nào áp dụng 5K cũng như chiến lược vaccine trong phòng chống thiên tai. Khi thiên tai xảy ra việc di dời dân phải thực hiện dẫn đến bối cảnh chúng ta phải tập trung đông người, vẫn đề làm thế nào để đảm bảo áp dụng 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế như: Khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách, khai báo y tế sẽ áp dụng tại những địa điểm di dời, đó là mấu chốt quan trọng nhất trong bối cảnh dịch Covid-19".
Theo nhận định của các chuyên gia, đây không phải là cơn bão gây thiệt hại lớn về người và cơ sở hạ tầng nhưng là cơ sở để tổ chức lại công tác phòng chống thiên tai trong bối cảnh mới là dịch bệnh 19. Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho rằng, ứng phó thiên tai trong giai đoạn hiện nay trong điều kiện Covid-19 hết sức khó khăn do các địa phương đang tập trung phòng chống dịch, nhưng không phải vì như thế mà chúng ta sao nhãng. Bởi sau bão số 5 từ nay cho đến cuối năm dự báo trên Biển Đông sẽ xuất hiện thêm từ 6 đến 8 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó có từ 2 đến 4 cơn bão có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam. Thực tế này đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương và người dân cần có sự chủ động hơn để đảm bảo cả 2 mục tiêu vừa an toàn dịch bệnh vừa an toàn trong thiên tai".
Ông Trần Quang Hoài đề nghị: "Chúng tôi xác định hiện nay đang là trọng tâm của mùa mưa bão, đòi hỏi chủ động từ các cấp chính quyền. Trước kia chỉ đạo điều hành ứng phó thiên tai chỉ là các cơ quan chuyên môn về phòng chống thiên tai phối kết hợp cùng lực lượng vũ trang và cộng đồng người dân chủ động ứng phó nhưng bối cảnh hiện nay còn có yếu tố quan trọng nữa là lực lượng y tế ở các địa phương cùng phối kết hợp của chính quyền và người dân. Để làm sao đảm bảo mục tiêu kép là vừa an toàn trong thiên tai vừa an toàn trong dịch Covid-19 diễn biến phức tạp".
Cũng theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đảm bảo hiệu quả vừa phòng chống dịch vừa an toàn trong phòng chống thiên tai thì công tác cảnh báo, dự báo phải kịp thời và chính xác phục vụ công tác chỉ đạo điều hành sát với điều kiện thực tế để làm căn cứ cho các địa phương chủ động triển khai. Tránh tình trạng bão, mưa lũ không lớn phải huy động lực lượng để sơ tán dân trong trường hợp không thật sự cần thiết. Trong điều kiện dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nếu bắt buộc phải di dân nên di dân tại chỗ là chủ yếu, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó./.