Mấy ngày qua, người dân Hà Nội phẫn nộ trước hành động vô lương của bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường (SN 1973, hộ khẩu 66 A Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội), Giám đốc Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ đã làm chết người, sau đó chở xác nạn nhân vứt xuống sông Hồng.

Một số ít người cho rằng, trong lúc quẫn bách, ông Tường đã không nghĩ được gì mà chỉ muốn làm sao che giấu được tội lỗi bằng mọi cách. Đó là phản ứng tự nhiên của con người trong lúc sợ hãi. Nhưng thực sự, đó chỉ là ngụy biện. Bởi con người hơn các loài khác ở chỗ là được học hành, được giáo dục để biết chế ngự những phản ứng tự nhiên, nhất là các phản ứng tiêu cực. Trong khi ông Tường lại được đào tạo một cách bài bản với cả quá trình dài học tập tại trường Đại học Y Hà Nội, được giáo dục rất kỹ về bài học y đức của người thầy thuốc. Thậm chí, sau đó vị bác sỹ còn tiếp tục học nâng cao cả về chuyên môn và đạo đức làm nghề.

_mg_0417.jpg
Công an đưa nghi phạm Tường đến cầu Thanh Trì để thực nghiệm hiện trường

 Dư luận sẽ không quá bức xúc, phẫn nộ nếu như sau khi xảy ra “tai nạn nghề nghiệp”, bác sỹ Tường hành xử có lương tâm, đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại bệnh viện hoặc báo cho các cơ quan chức năng, gia đình nạn nhân đến để cùng giải quyết hậu quả vụ việc.

Nhiều người cùng nghề, thậm chí nhiều người dân cũng cho rằng, những rủi ro, tai nạn trong nghề nghiệp, các bác sĩ có thể gặp, nhưng hành động chối bỏ trách nhiệm một cách man rợ của ông Tường thì không thể chấp nhận được. Hành động chở nạn nhân đi lòng vòng từ 16h cho tới 23h mới vứt xác nạn nhân xuống sông Hồng lại càng không thể nói đó là hành động bột phát của ông Tường trong lúc quẫn trí, mà với khoảng thời gian như vậy, đủ cho ông ta nghĩ về hậu quả của những việc mình sắp làm.

Những việc ông bác sĩ này làm, dường như đều đã được tính toán và ông ta sẵn sàng chấp nhận “rủi ro”, nghĩa là sẵn sàng kiếm tiền trên tính mạng của người khác. Từ việc với một người học nhiều biết rộng như ông Tường, thừa hiểu việc thực hiện dịch vụ làm đẹp “chui” là vi phạm pháp luật, nhưng ông ta vẫn làm, vẫn rót hàng đống tiền để đầu tư cho việc kinh doanh, coi thường tính mạng con người, có nghĩa là ông ta đã chấp nhận đánh đổi tất cả chỉ vì tiền. Rồi từ việc làm chết người (có thể là vô ý) nhưng hành động phi tang sổ sách, phi tang xác nạn nhân nhằm che giấu tội lỗi cũng là một sự đánh đổi, bất chấp luật pháp. Vì chắc chắn, một người như ông Tường đủ hiểu sự trừng phạt của pháp luật nếu hành vi phạm tội của ông ta bị phát giác.

Với một người thầy thuốc như ông Tường, khi lương tâm đã bị những đồng tiền che lấp thì nó chẳng còn lại gì, kể cả việc tính mạng của khách hàng bị đe dọa. Thật đáng sợ, ông Tường còn là một viên chức đang hành nghề tại một bệnh viện lớn nhất nhì cả nước, hàng ngày phải tiếp xúc, chữa trị cho hàng chục, hàng trăm người bệnh. Với lương tâm không còn, nhiều bệnh nhân rất có thể đã trở thành những nạn nhân của vị bác sĩ này.

Trong những ngày qua, ở trong nhà tạm giam tại cơ quan công an, không biết ông Tường có suy ngẫm lại những việc mình đã làm. Liệu ông Tường có biết cũng trong những ngày qua, và ngay cả lúc này đây, rất nhiều người nhà của nạn nhân đang phải thức thâu đêm suốt sáng, đi dọc bờ sông Hồng trong tinh thần đau đớn, hoảng loạn để mong tìm được thi thể người thân. Và cuộc tìm kiếm thi thể nạn nhân vẫn bặt vô âm tín. Sự đau khổ của gia đình nạn nhân không biết đến bao giờ mới nguôi ngoai…

Khi các luật sư phân tích mức án mà ông Tường có thể phải đối mặt, nhiều người đã cho rằng, nếu phải chịu mức án như luật pháp quy định thì quá nhẹ đối với hành vi vô nhân tính của ông Tường. Dù là quy định của luật pháp, nhưng cũng nên có sự linh hoạt để nghiêm trị kẻ phạm tội, đồng thời tạo sự răn đe đối với người khác. Có như vậy, luật pháp mới thể hiện được tính nghiêm minh như bản chất vốn có của nó.

Tội trạng của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, chắc chắn sẽ bị sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật. Nhưng với mức hình phạt nào, thì cũng không đáng sợ bằng hình phạt của tòa án lương tâm sẽ đeo đẳng ông ta đến hết cuộc đời./.