Là phụ nữ, lại qua vài lần sinh nở thì ai cũng có những nỗi phiền muộn giống nhau về ngoại hình của mình, về vòng một chảy sệ, vòng hai quá cỡ, vòng ba phẳng lì…
Thi thoảng trên báo lại lăng-xê ca sĩ này, người mẫu kia khoe dáng thon sau sinh và bí quyết thì thường là tập luyện theo phương pháp này, thẩm mỹ kia… nghe mà thèm. Nắm được tâm lý và nhu cầu lớn của khách hàng, ngày càng có nhiều thẩm mỹ viện ra đời và khâu quảng bá, PR được tiến hành rất bài bản trên nhiều phương tiện truyền thông.
Những tờ quảng cáo của Trung tâm thẩm mỹ viện Cát Tường (ảnh: Việt Đức) |
Phải ở hoàn cảnh của phụ nữ mới hiểu được những lời mời chào của các cơ sở thẩm mỹ này lôi cuốn mạnh mẽ thế nào. Bởi sau khi sinh bé thứ hai, tôi cũng rơi vào trạng thái tự ti cao độ vì vòng hai kém thon thả của mình. Tôi cũng đã mải miết đọc không biết bao nhiêu bài báo giới thiệu về các phương pháp giúp lấy lại eo thon. Trong đó tôi đã vô cùng ấn tượng với phương pháp hút mỡ bụng Laser Lipo, có thể loại bỏ đến 95% lượng mỡ dư thừa. Nghĩa là có thể ngay lập tức eo ót như xưa mà không cần phẫu thuật - nghe như một phép màu.Nhưng khi tìm hiểu thì tôi thực sự tá hỏa về sự cẩu thả và vì tiền mà bất chấp tính mạng khách hàng của các cơ sở thẩm mỹ kiểu này. Và thực tế thì đã có nhiều trường hợp tiền mất tật mang.
Trên thị trường, các cơ sở làm đẹp thì có hai loại hình dịch vụ spa thẩm mỹ viện và các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Trong đó, phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ thì phải do Sở Y tế cấp phép, còn dịch vụ spa thông thường không phải do ngành y tế quản lý.
Lợi dụng sự nhầm lẫn thiếu hiểu biết của khách hàng, nhiều cơ sở làm đẹp quảng cáo quá mức với phạm vi chuyên môn của mình. Ví dụ như việc hút mỡ bụng thì phải vào bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ để thực hiện, chứ dịch vụ spa thẩm mỹ viện thì không được phép.
Vậy mà chỉ cần gõ Google cụm từ “phẫu thuật thẩm mỹ”, bạn sẽ nhanh chóng tra được hơn 5.000 kết quả là những lời mời chào và cam kết đầy hoa mỹ về hiệu quả chất lượng của cơ sở mình. Cơ sở nào cũng cho biết có đầy đủ các dịch vụ về sửa mũi, xăm mắt, xăm môi, chăm sóc sắc đẹp, nâng ngực, hút mỡ bụng… đem đến một vẻ đẹp tự nhiên, hoàn hảo nhất và an toàn.
Báo chí truyền thông cũng là những đơn vị tiếp tay đắc lực khi đăng những bài quảng cáo, PR một cách dễ dãi mà không kiểm chứng. Đơn cử đã có không dưới 10 trang tin và báo mạng lớn nhỏ mắc sai phạm khi đăng các bài PR về Trung tâm thẩm mỹ viện Cát Tường quá mức với phạm vi chuyên môn của Trung tâm này. Thẩm mỹ viện Cát Tường không hề được cấp phép thực hiện các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ như xăm môi, mắt, hút mỡ bụng, nâng ngực… như quảng cáo đã nêu.
Có thể thấy các báo đã không kiểm tra giấy phép hành nghề của đơn vị quảng cáo, dễ dãi cho đăng mà không ý thức được rằng vô tình đã mang uy tín của báo mình ra “bảo lãnh” cho những loại quảng cáo này. Và bạn đọc vì quá tin vào thông tin tờ báo cung cấp mà trở thành nạn nhân của đồng tiền.
Công bằng mà nói, nhiều người nhờ thẩm mỹ đã tìm thấy sự tự tin và trở nên hạnh phúc. Tuy nhiên, cũng có nhiều người không may mắn phải mang tật suốt đời và thậm chí có những người mất mạng vì đã đặt lòng tin không đúng chỗ như trường hợp của chị Lê Thị Thanh Huyền ở khu phố nhà tôi.
Ngày 19/10 vừa qua, chị đã đến Trung tâm thẩm mỹ viện Cát Tường để thực hiện thẩm mỹ hút mỡ bụng và nâng ngực có gây mê. Khoảng 16h, ca phẫu thuật kết thúc, chị Huyền bị co giật chân tay, sùi bọt mép, sau đó tử vong.
Điều khiến dư luận bàng hoàng là việc bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường - giám đốc trung tâm thẩm mỹ tư nhân này đồng thời cũng đang công tác tại bệnh viên Bạch Mai, được đào tạo bài bản, hiểu rõ những giá trị chuẩn mực của nghề nghiệp, đã trực tiếp chở xác chị Huyền ném xuống sông Hồng nhằm phi tang.
Đối tượng Nguyễn Mạnh Tường tại cơ quan công an (ảnh: Việt Đức) |
Chúng ta vẫn thường nhắc đến sự xuống cấp của y đức thông qua một loạt vụ việc gần đây như ăn bớt vaccin, tiêm vaccin hết hạn cho trẻ, nhân bản giấy xét nghiệm, hay thái độ vô cảm, tắc trách của y bác sĩ với nỗi đau đớn của bệnh nhân. Nhưng có lẽ trong lịch sử ngành y, vụ việc bác sĩ đem xác nạn nhân đi phi tang một cách vô nhân tính để trốn tránh trách nhiệm như thế này chắc chỉ có một.
Vụ việc này với niềm tin của người dân vào ngành y không còn là giọt nước tràn ly, mà là chiếc ly đầy nước đã bị ném vỡ tan tành. Không còn từ nào để miêu tả ngoài chữ: Sốc!
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, hiện mỗi năm, có gần 40.000 bệnh nhân chọn ra nước ngoài để khám chữa bệnh, tiêu tốn khoảng 2 tỉ USD. Việc một nước nghèo như Việt Nam mà lại để thất thoát ngần ấy tiền làm giàu cho nước khác là một ví dụ điển hình cho thấy bên cạnh tâm lý sính ngoại còn là sự mất niềm tin vào y đức của đội ngũ y bác sỹ nước nhà.
Nếu ngành y không siết chặt quản lý ngành mình, không cấp bách chấn hưng y đức thì nguy lắm.
Ngày 20/10 vừa mới qua thôi, nổi bật trong số rất nhiều lời chúc mừng nhân Ngày phụ nữ Việt Nam năm nay là lời mách bảo lẫn nhau của phái đẹp: bên cạnh những hi sinh vì gia đình con cái thì phụ nữ cần phải yêu bản thân hơn, chú ý chăm sóc chính mình nhiều hơn.
Vậy mà chị Huyền, chỉ vì muốn làm đẹp - một nhu cầu chính đáng và quá tin vào những lời cam kết hoa mĩ của một cơ sở thẩm mỹ viện, mà ra đi tức tưởi./.