Theo Luật sư Lê Đức Tiết, việc làm chết người không phải đây là lần đầu sự việc đau lòng xảy ra trong ngành Y tế. Vì thế, không chỉ nhìn vào vụ việc mà cần truy xét căn nguyên, bản chất của nó. Đó là việc giáo dục nhân cách, đạo đức con người hiện nay, nhất là đạo đức trong ngành Y. Cùng với đó là bệnh tham nhũng xảy ra ở nhiều nơi làm suy thoái đạo đức con người. Vụ việc bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường gây ra không phải là trường hợp cá biệt, mà là hệ quả của rất nhiều căn nguyên.
Luật sư Lê Đức Tiết (ảnh: Minh Hòa) |
Hành động làm chết bệnh nhân, vứt xác xuống sông Hồng của bác sĩ Tường là một việc làm vô nhân tính, cần lên án. Tuy nhiên, cũng cần phải tìm nguyên nhân sâu xa của sự việc. “Hiện nay, nhiều thanh niên, nhiều người cứ lao vào kiếm tiền, bất chấp những việc làm sai trái cũng một phần do chúng ta chưa làm tốt công tác giáo dục và những vấn đề tiêu cực trong xã hội chưa được xử lý đúng mức. Trong các chính sách, quy định của luật pháp cũng còn nhiều sơ hở để một số người lợi dụng. Nhiều kẻ “cha căng chú kiết” không một đồng dính túi, không trí tuệ nhưng chúng lại cấu kết với những viên chức thoái hóa, làm giàu một cách bất chính. Và khi họ có tiền, họ có thể mua được đủ thứ, kể cả quan hệ. Theo tôi, phải nhìn vào từng sự việc để rút ra bài học, mà trực tiếp là bệnh viện, Giám đốc bệnh viện. Họ để cho những nhân viên của mình “chân trong, chân ngoài” như vậy, thì làm sao bác sĩ dồn tâm dồn sức để chăm sóc nhân dân”.
Ông Tiết cũng bày tỏ lo lắng hiện nay một bộ phận bác sĩ thoái hóa biến chất, họ mang danh bác sĩ để kiếm tiền bất lương trên mạng sống của người bệnh.
Xin lỗi xong, phải thấy được trách nhiệm
Trước sự việc viên chức của bệnh viện vứt xác phi tang, trả lời báo chí, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, việc bác sĩ hành nghề ngoài giờ hành chính thì bệnh viện không quản lý được, bản thân Ban Giám đốc cũng không biết bác sĩ Tường mở thẩm mỹ viện. Về vấn đề này, Luật sư Lê Đức Tiết cho rằng, nói như vậy là chưa thể hiện hết trách nhiệm, bởi vì không phải quản lý ngoài giờ hay trong giờ, không phải lúc nào cũng có mặt để theo nhân viên cả ngoài giờ làm việc, nhưng phải quản lý được họ về mặt con người. Phải quản lý làm sao để trong giờ họ đã làm tốt rồi, nhưng ngoài giờ họ còn tự giác làm tốt hơn. “Thế mới gọi là quản lý. Còn việc đùn đẩy cho rằng, thuộc quản lý của tôi hay không thuộc quản lý, quản lý trong hay ngoài giờ là đùn đẩy trách nhiệm. Giống như học sinh đi học, khi ở ngoài nhà trường cũng không thể nói nhà trường không có trách nhiệm vì ngoài giờ học. Còn khi học sinh đi học, cũng không thể nói gia đình không có trách nhiệm vì ngoài giờ ở nhà. Mà quản lý là phải về mặt con người, gia đình và nhà trường đều có trách nhiệm. Tôi cũng băn khoăn là về vấn đề bác sỹ “chân trong, chân ngoài”, bệnh viện có biết không?”.
Về động thái “gửi lời xin lỗi đến toàn thể người dân vì đã để xảy ra sự việc nghiêm trọng này” của Bộ Y tế, Luật sư Lê Đức Tiết nhấn mạnh rằng, không phải chỉ về việc này mà Bộ lên tiếng xin lỗi, mà phải nhìn nhận nguyên nhân sâu xa từ rất nhiều sự việc xảy ra trong thời thời gian vừa qua. Mà hệ lụy của nó là người dân luôn phải gánh chịu. “Bộ Y tế xin lỗi xong phải thấy được trách nhiệm của mình, không chỉ trong vụ việc này mà trong tất cả những vụ việc trước đó”- Luật sư Lê Đức Tiết nói.
Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp
Về tội danh của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, luật sư Lê Đức Tiết cho rằng, không thể quy kết ông bác sĩ này về tội cố ý hay vô ý giết người mà chỉ có thể là “Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” theo Điều 99 Bộ Luật Hình sự. “Ông bác sĩ Tường phẫu thuật thẩm mỹ cho khách hàng và làm họ tử vong thì chưa thể khẳng định ông Tường có chủ đích giết người. Ông này không có giấy phép hành nghề mà vẫn hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ thì là vi phạm quy tắc hành nghề y”.
Nghi can Tường chỉ nơi ném xác nạn nhân xuống sông |
Với tội danh này, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tườngbị phạt tù 1-6 năm. Nếu phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù 5-12 năm. Còn đối với trường hợp người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Theo Luật sư Lê Đức Tiết, những người tham gia cùng kíp phẫu thuật cho chị Huyền cũng có thể bị khép vào tội danh như bác sĩ Tường “Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”.
“Những nhân viên ở Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường này cũng bị truy tố về tội che giấu tội phạm. Kể cả nhân viên bảo vệ đi vứt xác chị Huyền cùng ông Tường và những nhân viên khác biết sự việc ở Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường mà không tố giác thì cũng đều có thể bị khép vào tội “che giấu tội phạm” hoặc “không tố giác tội phạm”. Tùy mức độ, Tòa có thể xử phạt tù hoặc án treo”- Luật sư Lê Đức Tiết nói.
Với tội “che giấu tội phạm”, theo Điều 313, những người liên quan bị khép vào tội danh này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm; trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Với hành vi “không tố giác tội phạm”, theo Điều 314, những người bị khép vào tội danh này có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
Luật sư Lê Đức Tiết cũng cho rằng, hành vi mang xác nạn nhân vứt xuống sông Hồng và tạo hiện trường giả để che giấu tội phạm là đáng lên án, gây bức xúc cho gia đình, xã hội. Nhưng hành vi này lại không cấu thành tội. “Mức xử phạt như thế tuân theo những quy định của phát luật, nhưng hành động vô nhân tính của bác sĩ Tường cần phải xử nghiêm để mang tính răn đe”.
Trường hợp vứt xác nạn nhân phi tang của bác sĩ Tường cũng có thể áp dụng tình tiết tăng nặng theo điều 48, Bộ Luật Hình sự.
1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;
d) Phạm tội có tính chất côn đồ;
đ) Phạm tội vì động cơ đê hèn;
e) Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;
g) Phạm tội nhiều lần, tái phạm, tái phạm nguy hiểm;
h) Phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già, người ở trong tình trạng không thể tự vệ được hoặc đối với người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác;
i) Xâm phạm tài sản của Nhà nước;
k) Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;
l) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;
m) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, tàn ác phạm tội hoặc thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
n) Xúi giục người chưa thành niên phạm tội;
o) Có hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm.