Trao đổi về vụ án oan sai kéo dài 10 năm đối với ông Nguyễn Thanh Chấn, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, vụ việc liên đã có bản án nên trách nhiệm là của tòa án.

“Phải nói rằng không có nền tư pháp nào chính xác 100%, nhưng để lọt những việc sơ đẳng này, tôi cho là do việc tranh tụng ở tòa chưa được thấu đáo”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP HCM cho biết, những sai sót trong tố tụng như trường hợp này phải được đánh giá trên phương diện sai sót nghiệp vụ do vô ý hay thiếu trách nhiệm, thậm chí thiên vị, cố tình thiên vị hay tiêu cực, tham nhũng.

an-oan.jpg
Ông Chấn (áo trắng) trong vòng tay người thân, chòm xóm

Trong vụ án này, mặc dù ông Chấn có bằng chứng ngoại phạm, nhưng chứng cứ hiển nhiên đó lại bị bác bỏ thì phải xem nguyên nhân gì: do cố tình thiên vị, vô cảm với quyền của bị can, bị cáo hay cố tình bảo vệ kết quả bức cung; thậm chí có tiêu cực, tham nhũng thì phải có xử lý nghiêm khắc.

Theo ông Trương Trọng Nghĩa, quan trọng nhất là phải bảo đảm quyền của bị can, bị cáo, người bị tạm giam, tạm giữ cho nên cần có luật sư ngay từ giai đoạn đầu và được đối xử theo nguyên tắc suy đoán vô tội một cách triệt để, hết sức tạo điều kiện giám sát để loại trừ hành vi bức cung và dùng nhục hình dưới mọi hình thức khác nhau.

Hiện nay, nguyên tắc suy đoán vô tội là cơ bản của pháp luật hình sự quốc tế và của đa số các quốc gia dân chủ và văn minh. Pháp luật Việt Nam quy định, quyền của người bị tạm giữ có luật sư, nhưng nhiều trường hợp không được bảo đảm; chưa kể có định kiến, thành kiến đối với bị can bị cáo, không theo tư duy suy đoán vô tội. Chính vì vậy, dẫn đến ép cung, bức cung.

Nếu chúng ta làm đúng luật pháp, bảo đảm quyền có luật sư của bị can, bị cáo, người bị tạm giam, tạm giữ, đối xử như người không có tội đến khi có bản án có hiệu lực của tòa án thì hạn chế, khắc phục được nhiều oan sai như vụ ông Chấn.

Đồng quan điểm với ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Ngô Bá Thuyền, đoàn Lâm Đồng khẳng định, luật pháp của ta vẫn tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội. Tuy nhiên thực tiễn có những trường hợp do năng lực trình độ đánh giá chứng cứ chưa tốt, cho nên dẫn đến sai sót; cũng có thể họ cố tình – điều này phải xác minh, nếu cố tình thì phải xử lý hình sự.

Nguyên nhân chính vụ oan sai này xuất phát từ quá trình điều tra, truy tố, xét xử, kể cả phiên sơ thẩm, phúc thẩm. Họ rất phiến diện khi tin vào chứng cứ thu thập mà bỏ qua lời khai của bị can, bị cáo chứng minh họ ngoại phạm. Tôi nghĩ, Viện kiểm sát đã rất dũng cảm, khi phát hiện sai sót đã xử lý và xin lỗi ngay.

Bồi thường bằng ngân sách

Theo ông Hà Hùng Cường, trường hợp ông Chấn được minh oan, tiền bồi thường sẽ lấy từ ngân sách, còn cá nhân để xảy ra sự việc có trách nhiệm phải bồi hoàn.

Ông Ngô Bá Thuyền cũng cho biết: Theo quy định thì phải lấy tiền ngân sách ra để bồi thường, bên cạnh đó tùy theo mức độ nặng, nhẹ mà quy trách nhiệm cho những người gây ra án oai sai bồi thường một phần hoặc toàn bộ.

“Theo tôi được biết, trách nhiệm cá nhân ở ta chưa được đặt ra. Mà người của cơ quan Nhà nước làm sai thì phải dùng ngân sách Nhà nước, sau đó tùy theo mức độ mà quy trách nhiệm”./.