Đã 10 ngày sau sự cố tràn hơn 4.000 lit dầu tại Thanh Hóa, mặc dù các lực lượng chức năng đang tích cực khắc phục, xử lý, thế nhưng sự việc đã ảnh hưởng đến môi trường, đảo lộn cuốc sống người dân nơi đây.

1_quang_canh_hoang_tang_sau_su_co_qjoz.jpg
Quang cảnh hoang tàn sau sự cố

Theo Tiến sĩ Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), nếu người dân không được cách ly khỏi khu vực dầu tràn rất dễ dẫn đến mắc bệnh về đường hô hấp.

Tại khu phố 5 phường Quảng Hưng, thành phố Thanh Hóa, hơn 5 ha ruộng và nhà 60 hộ dân trong khu vực ảnh hưởng trực tiếp sự cố tràn. Nước trên các cánh đồng có màu đen khịt, dọc các con mương, ngóc ngách nhà dân. Nơi nào có nước nơi đó có dầu, mùi dầu bốc lên nồng nặc. Người dân cho biết nếu đứng ở đây 15 phút là sẽ có biểu hiện choáng váng, khó thở do hít phải mùi dầu.

Cụ Trần Thị Bền, 75 tuổi vẫn hàng ngày ở trong nhà cả tuần nay bị bao phủ bởi mùi dầu nồng nặc. Ngồi nói chuyện với chúng tôi, bà Bền liên tục đưa lên quẹt ngang đôi mắt ướt nhoẹt nói trong lo lắng: "Con bà bảo ra trạm mẹ coi báo cáo người ta khám, đưa lên viện nhưng lên thì không có ai chăm, thôi không may sự cố xảy ra chứ không ai muốn thế làm chi thôi mẹ ở nhà lấy thuốc đau mắt, mấy nay mắt cứ đau lên thôi, mấy hôm nay lại ho, sức khỏe không được tốt."

Trong ngôi nhà phía trước là cánh đồng mênh mông nước nhiễm dầu, bà Lưu Thị Lụa (65 tuổi, trú tại khu phố 5, phường Quảng Hưng) cho biết, sau khi sự cố xảy ra thì sức khỏe có vấn đề và đã được bộ đội đưa đi khám bệnh, mua thuốc điều trị nhưng vẫn chưa hết hoang mang: "Sau thăm khám, phía Công ty xăng dầu quân đội khu vực Bắc Trung bộ, đã mua thuốc cho uống. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa hết đau đầu, buồn nôn”.

Chiếc máy hút này chạy hết công suất những ngày qua

Dọc các con đường, ngõ hẻm nhộn nhịp hôm nào, giờ phẳng lặng, nhà nào cũng “cửa đóng then cài”; phía dưới các cánh đồng những công nhân đeo kín khẩu trang vẫn thoăn thoắt thao tác thu gom dầu, váng dầu tràn trên mặt nước. Chưa biết bao giờ người dân nơi đây mới có thể canh tác trở lại, nhưng có một điều họ còn lo hơn là sức khỏe.

Đơn vị xử lý dùng xốp thấm dầu
Dùng xô chậu chắt váng dầu trên mặt nước

Theo thống kê sơ bộ từ Trạm y tế phường Quảng Hưng, thành phố Thanh Hóa, sau hơn 1 tuần xảy ra sự cố tràn dầu tại phường, đã có khoảng 10 người phải đến khám tại cơ sở y tế với triệu chứng như ho, đau đầu, chóng mặt, khó thở...

Thậm chí, có nhiều trường hợp phải chuyển đến bệnh viện để điều trị. Các hộ dân nơi đây đã nhanh chóng di tản người già, trẻ nhỏ, thế nhưng do nhà cửa, công việc liên quan nên nhiều người phải chịu đựng ở lại nơi này.

Anh Nguyễn Thanh Hà, người dân khu phố 5, cho hay: "Vợ chồng ngày đi làm, còn các cháu thì sáng đi học trưa cho gửi ngoài kia, gửi cả ngày. Ở đây thì hầu như cháu nhỏ không có ở nhà. Hiện nay chúng tôi cũng đã gửi đơn tập trung gửi ra phường, kiến nghị là làm sao để giải quyết nhanh lấy lại môi trường cho người dân, đặc biệt là trẻ em và người già."

Câu hỏi và cũng là băn khoăn của người dân hiện nay là, sống trong môi trường nhiễm dầu này sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe, trách nhiệm của cơ quan chuyên môn và đơn vị để xảy ra sự cố này thế nào?

Người dân được cán bộ đến đưa đi khám bệnh và mua thuốc

Trao đổi với PV VOV, Tiến sĩ Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) khẳng định, sống trong môi trường có mùi dầu sẽ dẫn đến mắc bệnh về đường hô hấp.

"Ở địa phương phải có trách nhiệm kiểm tra thực sự chỗ này khó chịu thì địa phương, y tế phải có trách nhiệm khuyến cáo người dân ra chỗ khác, tức là ngay trước mắt chỗ này không tốt cho sức khỏe người ta sẽ khó chịu về cay mắt, những chuyện hơi khí hơi xăng như thế thì người già trẻ nhỏ sẽ dễ ảnh hưởng đến đường hô hấp, đó là chắc chắn", TS Hải nói.

Sau khi xảy ra sự cố, cơ quan chức năng đã kịp thời vào cuộc xử lý, khắc phục, thế nhưng việc cách ly, bảo đảm sức khỏe người dân chưa được coi trọng./.