Sau hơn nửa tháng xảy ra vụ sạt lở đất thảm khốc ở thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế làm 17 người chết và mất tích, lần đầu tiên, nhiều người nhà của các nạn nhân được vào tận hiện trường vụ sạt lở.

Hôm nay (30/10), tỉnh Thừa Thiên Huế đưa khoảng 20 thân nhân các nạn nhân trong vụ sạt lở ở Rào Trăng 3, vào hiện trường để cùng theo dõi, giám sát việc tìm kiếm các nạn nhân. Tại đây, người nhà của các nạn nhân mất tích tận thấy hiện trường sạt lở thảm khốc, với phạm vi rất rộng lớn, cũng như chia sẻ cùng những khó khăn, nguy hiểm mà lực lượng cứu hộ, cứu nạn ngày đêm phải đối mặt.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Quan điểm của tỉnh là cố gắng hết sức, tranh thủ thời gian, huy động tối đa các lực lượng và phương tiện, tìm kiếm các công nhân còn mất tích. Hiện, lực lượng cứu hộ trên 100 người thuộc Quân khu 4, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan, cùng hàng chục phương tiện cơ giới, chó nghiệp vụ đang tìm kiếm, cứu hộ 12 nạn nhân còn lại.

Đội chó nghiệp vụ của Trường Trung cấp 24 Biên phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cũng tham gia tìm kiếm. Bước đầu đã tìm thấy quần áo, chăn màn và một số vật dụng khác của các nạn nhân.

Các lực lượng tìm kiếm chia thành nhiều nhóm cùng 3 đến 4 phương tiện cơ giới mỗi nhóm, bóc dỡ các lớp đất đá, múc đất, mở đường cho Đội quy tập 192 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) tìm kiếm. Dự kiến trong 4-5 ngày tới, với điều kiện thuận lợi, lực lượng cứu hộ sẽ xử lý xong lượng đất đá lớn để tìm kiếm 12 nạn nhân còn mất tích.

Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thên Huế cho biết: "Ở trong địa hình Rào Trăng 3 thì phải thi công tìm kiếm trên nền dốc rất lớn. Đặc điểm ở hiện trường đến tầm khoảng 2-3 giờ chiều là bắt đầu mưa, cho nên các lực lượng cố gắng thì khoảng 4 giờ cũng phải rút ra thôi. Dọc tuyến từ Rào Trăng 3 về Rào Trăng 4 vẫn nguy cơ sạt lở vô cùng lớn và đi lại rất nguy hiểm vì độ dốc cao và trơn trượt"./.