Ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khẳng định, việc gia đình ca sĩ Mỹ Linh dựng nhà quá 200m2 là sai và việc tiến hành xây dựng cũng sai.

nha-ca-si-my-linh.jpg
Nhà ca sỹ Mỹ Linh trong khu đất rùng phòng hộ

Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã có kết luận khẳng định hộ ông Thành Chương (họa sĩ Thành Chương) đã xây dựng phủ Thành Chương là công trình quy mô, kiên cố tại xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn nhưng không có giấy phép xây dựng. Công trình này hiện đang kinh doanh dịch vụ du lịch, tham quan và ăn uống. UBND xã Hiền Ninh đã nhiều lần báo cáo UBND huyện Sóc Sơn để có phương hướng xử lý, nhưng đến nay chưa có kết quả cụ thể.

Kết luận này cũng khẳng định công trình xây dựng của gia đình nhạc sĩ Anh Quân và ca sĩ Mỹ Linh tại xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn) cũng không có giấy phép. Gia đình ca sĩ Mỹ Linh nhận chuyển nhượng 12.691m2 đất của ông Đỗ Xuân Lâm (nguyên công nhân Lâm trường Sóc Sơn) từ năm 2001. Việc chuyển nhượng được UBND xã Minh Phú xác nhận và UBND huyện Sóc Sơn cấp giấy sử dụng đất ở là 600m2 trên tổng 12.691m2 đất rừng phòng hộ. Năm 2009, gia đình ca sĩ Mỹ Linh xây dựng các công trình nhà ở và phòng thu trên diện tích khoảng 390m2, bể bơi, khu để xe và các công trình phụ trợ khác. Gia đình ca sĩ Mỹ Linh trình bày việc xây dựng công trình được UBND huyện Sóc Sơn cấp phép, nhưng theo Thanh tra Sở TN-MT, gia đình không cung cấp được giấy phép xây dựng cho đoàn thanh tra.

Chiều 7/5, ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có những giải đáp rất thẳng thắn: “Dư luận đang quan tâm tới sự việc xử lý sai phạm về sử dụng đất đai có liên quan tới ca sĩ Mỹ Linh và phủ Thành Chương. Câu hỏi đặt ra lúc này là vi phạm hay không vi phạm? Nếu vi phạm có xử lý hay không? Trước hết, tôi khẳng định là trong kết luận thanh tra đã nói rất rõ là vi phạm quy định sử dụng đất lâm nghiệp. Thứ hai là việc UBND huyện Sóc Sơn tiến hành giao 200m2 đất ở thì đúng quy định, nhưng diện tích còn lại phải sử dụng đúng mục đích của đất lâm nghiệp, cho nên khẳng định việc sử dụng đất đó là sai. Việc tiến hành xây dựng cũng là sai. Hiện nay, chúng tôi đã có kết luận và báo cáo với UBND thành phố, chờ ý kiến chỉ đạo cuối cùng của lãnh đạo Thành phố". "Quan điểm của Sở TN-MT là sai phạm phải xử lý, bất kể người đó là ai thì cũng phải bình đẳng trước pháp luật”, ông Nghĩa khẳng định.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa cũng thông tin, trong khi tiến hành thanh tra, kiểm tra thì đoàn Thanh tra Sở TN-MT Hà Nội đã làm rõ một trong những nguyên nhân dẫn tới sai phạm là do quy định chưa chặt chẽ, thiếu sâu sát trong quản lý đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Các xã Phù Linh, Nam Sơn, Quang Tiến, Minh Phú, Hiền Ninh, Tiên Dược, Hồng Kỳ đã để cho các hộ gia đình, cá nhân nhận giao đất lâm nghiệp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang làm nhà tạm. Cán bộ địa chính và thanh tra xây dựng xã cũng buông lỏng quản lý, không kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở, kinh doanh ăn uống trên đất rừng, thậm chí có những trường hợp xây dựng với diện tích lớn mà không có phép.

“Kết luật thanh tra đã nói rất rõ, trách nhiệm thuộc Chủ tịch UBND, cán bộ địa chính, thanh tra xây dựng xã và các phòng ban chuyên môn của huyện Sóc Sơn và Công ty lâm nghiệp Sóc Sơn”, ông Nghĩa cho biết./.