Vu lan là ngày lễ truyền thống quan trọng, thể hiện tinh thần hiếu đạo mang đậm nét văn hóa Phật giáo. Ngày lễ Vu lan, vào rằm tháng 7 là dịp nhắc nhở mọi người về công ơn sinh thành, dưỡng dục của tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người có công với đất nước. Trong dòng đời hối hả với nhiều câu chuyện buồn về tình cảm gia đình, Vu lan như một lời nhắc nhở, giúp nhiều bạn trẻ sống chậm lại, tĩnh tâm và suy nghĩ nhiều hơn về chữ “Hiếu”.
Lễ Vu lan năm nay, chùa Bằng A – phường Hoàng Liệt, Hà Nội lại mở rộng cửa để đón các bạn trẻ tham dự khóa tu “Vu lan báo hiếu”. Không ồn ào, náo nhiệt hay chen lấn, xô đẩy, chỉ trong một buổi sáng, hơn 300 bạn trẻ là những học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội đã tình nguyện vào chùa ở 2 ngày.
Phật tử thành tâm cầu siêu hướng về vong linh của các anh hùng liệt sỹ, người thân đã quá vãng |
Tắt hết điện thoại, tạm xa các phương tiện nghe nhìn hay Internet, một ngày mới bắt đầu từ 5h trong tiếng tụng kinh, niệm Phật và nghe sư thầy thuyết giảng về chữ “Hiếu”.
“Nếu có cha, chúng ta thấy mình được bao dung, che chở. Nếu có mẹ, chúng ta biết mình còn được yêu thương, chiều chuộng, được chăm sóc ân cần”, hay “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ, gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”… Tiếng sư thầy vẫn đều đều trong không gian tĩnh lặng và nhiều bạn trẻ đã không cầm được nước mắt.
Phạm Thị Huế, sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội bày tỏ: “Những điều thầy giảng cho chúng tôi nhiều hành trang để bước vào cuộc sống và nhớ ơn tất cả mọi người. Vì quê xa, tôi không có điều kiện về thăm bố mẹ ngay được, nhưng tôi sẽ viết một bức thư và bày tỏ tình cảm với bố mẹ”.
Đối với Phạm Duy Khoa, sinh viên năm thứ 3 Học viên Kỹ thuật Quân sự, anh đã nhận ra được rằng, đại lễ Vu lan chính là dịp để thắp lên trong lòng sự hiếu thảo đối với cha mẹ. Từ đó biết yêu quý, trân trọng những tình cảm cha mẹ dành cho mình. Được cài trên ngực bông hồng màu đỏ khi tham dự nghi lễ “Bông hồng cài áo”, nghi thức quan trọng nhất trong đại lễ Vu Lan, Khoa thấy mình là người may mắn trên cuộc đời vì còn cả cha và mẹ, được yêu thương và chở che và Khoa cũng hiểu được rằng, tinh thần báo hiếu phải được thể hiện suốt 365 ngày trong một năm và suốt cuộc đời này chứ không chỉ vào ngày Vu lan.
Chữ "Hiếu" trong lễ Vu lan là tấm lòng thành kính với cha mẹ ngay khi còn sống, thể hiện trong cách giao tiếp và ứng xử nhân văn với mọi người. Tinh thần ảnh hưởng của ngày lễ Vu lan sẽ có tác dụng mạnh mẽ, khuyến khích các bạn trẻ sống có trách nhiệm hơn với bản thân và những người xung quanh.
Hòa Thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: “Chúng tôi muốn chú trọng đến lớp trẻ, vì lớp trẻ bị một khoảng trống do không quan niệm đúng chữ Hiếu. Nhiều khi xảy ra điều đáng buồn như con cái cãi lại cha mẹ, bỏ rơi cha mẹ, đánh lại cha mẹ. Khóa tu này chúng tôi muốn chuyển đến bạn trẻ tinh thần biết ơn cha mẹ, bằng cách vâng lời cha mẹ qua lời Phật dậy; hiếu hạnh với cha mẹ là công đức lớn. Bên cạnh đó, chúng tôi giáo dục các em về 4 ơn lớn: ơn tam bảo; ơn quốc gia xã hội; ơn cha mẹ sinh thành, thầy dạy bảo và ơn tất cả mọi người trong xã hội”.
Cuộc sống vẫn hối hả trôi đi. Trong sự gấp gáp đó, biết bao người cha, người mẹ, người ông, người bà đã phải giấu nước mắt vào trong khi bị con cháu đối xử tệ bạc.
Nhưng nếu ai đã một lần được tham dự khóa tu “Vu lan báo hiếu” hay được cài bông hồng đỏ trên ngực trong dịp lễ Vu lan, thì có thể họ sẽ để lòng mình lắng lại, nghĩ nhiều hơn về chữ “ Hiếu” và trân trọng những gì đang có./.