Những ngày vừa qua, nhiều tờ báo và mạng xã hội lan truyền một clip về vụ việc con gái ruột đánh đập, chửi bới, xúc rác đổ lên đầu mẹ già xảy ra ở tỉnh Long An. Vụ việc gây bức xúc và bất bình trong dư luận xã hội bởi nó xảy ra giữa cộng đồng, trong một thời gian dài, cho thấy một phần sự suy thoái đạo đức của một bộ phận người trong xã hội hiện nay.

“Công cha như núi thái sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con". Vậy mà một phụ nữ lớn tuổi, lẽ ra phải làm gương trước con cái lại đang tâm bạo hành mẹ ruột của mình trong thời gian dài. Vụ việc chỉ bị phát giác khi con của người đàn bà có hành vi ác độc đó bất bình và quay clip, đưa cho một người bác trong họ.

Chị Nguyễn Thúy Ngần, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho rằng, hành vi của người phụ nữ trong clip không chỉ vi phạm về vấn đề đạo đức mà cả về pháp luật.

“Tôi nghĩ là bà cụ đã bị bạo hành khủng khiếp hơn, do vậy chính đứa con, đứa cháu đó không làm gì được nên phải quay lén clip. Tôi thấy thực sự đau xót. Tôi vô cùng uất ức và thương xót không cầm nổi nước mắt. Tôi mong rằng các cấp chính quyền vào cuộc để xử lý hành vi ngược đãi với người sinh thành ra mình một cách kịp thời”, chị Ngần nói.

Còn chị Phạm Thúy Mai ở thành phố Hải Phòng cho biết, chị cảm thấy rất thương bà cụ và không dám xem hết clip đó vì thấy thực sự quá kinh khủng.

“Trong khi đó chỉ vì tài sản mà người con gái cũng đã 56 tuổi rồi, làm mẹ, làm bà rồi, tôi cũng là người có mẹ già, có con nên tôi thấu hiểu sự khó khăn cũng như nỗi vất vả của mẹ hy sinh cho mình. Nên tôi kính đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ người, rõ tội giúp cho cụ được an ủi”, chị Mai mong muốn.

Trên phương diện xã hội, đây là hành vi vi phạm đạo đức xã hội nghiêm trọng, đáng lên án và không được phép xảy ra. Bởi việc phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ khi ở tuổi xế chiều không chỉ liên quan tới mặt đạo đức xã hội mà còn là trách nhiệm pháp lý.

Được biết, ngày 8/9, vụ việc này đã được Công an huyện Cần Đước, tỉnh Long An, khởi tố và bắt tạm giam người phụ nữ có hành vi ngược đãi mẹ ruột trong clip lan truyền trên mạng xã hội.

Còn theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, nếu người nào vi phạm nghĩa vụ, trách nhiệm này thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với hành vi của người phụ nữ ngược đãi mẹ ruột vừa xảy ra ở Long An sẽ phải đối mặt với mức án cao nhất là 5 năm tù. Ngoài ra, nếu hành vi đủ yếu tố cấu thành một số tội danh liên quan đến việc xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự của người khác, tùy trường hợp có thể bị khởi tố về tội “cố ý gây thương tích, làm nhục người khác, giết người…”.

“Đối với những người là con, là cháu mà hành hạ bố mẹ, ông bà của mình đến mức nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống, tâm lý, đến sức khỏe, gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận. Với những hậu quả như vậy mà con cháu mà hành hạ ông bà, cha mẹ mình sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ, ngược đãi ông bà cha mẹ theo điều 185, Bộ luật hình sự 2015. Mức phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Trong trường hợp cao nhất của tội danh này thì có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm”, luật sư Đặng Văn Cường phân tích.

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội cho rằng, vụ việc này thêm một hồi chuông cảnh báo, phản ánh đạo đức của một bộ phận người trong xã hội đang xuống cấp.

Hiện tượng con bạo hành cha mẹ xảy không ít, nhưng không có lý do gì để bênh vực cho những hành động phi đạo đức, vi phạm luân thường, đạo lý. Những hình ảnh trong clip được đăng tải trên mạng xã hội vừa qua trái với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, không thể chấp nhận được dù bất cứ lý do gì.

Hơn nữa, cần nhìn nhận trách nhiệm của gia đình và trách nhiệm của xã hội khi để xảy ra những vụ việc đau lòng này. Tại sao những người hàng xóm biết chuyện, thậm chí, con gái của người phạm tội chứng kiến sự việc rồi quay clip nhưng lại không can thiệp quyết liệt, không báo với chính quyền hay các tổ chức xã hội để có những can thiệp kịp thời.

“Trong sự việc này chúng ta phải nhìn nhận rộng hơn để giải quyết chứ không phải chỉ để lên án một người phụ nữ hay đưa câu chuyện như vậy ra để dạy đạo đức người nọ người kia hay xử lý về mặt pháp luật, vi phạm hành chính. Việc đó chưa đủ mà phải dấy lên suy nghĩ, hồi chuông cảnh tỉnh là trách nhiệm chăm sóc người gia phải được san sẻ giữa gia đình và xã hội như thế nào, trách nhiệm của nhà nước, của cộng đồng, xã hội trong vấn đề này ra sao thì cần nhìn nhận lại”, TS Khuất Thu Hồng nói.

Hành vi vi phạm pháp luật sẽ được xử lý nghiêm minh nhưng xét về mặt đạo đức, đạo hiếu làm con, đạo làm người thì những hành vi ngược đãi cha mẹ cần bị lên án mạnh mẽ bởi đó là hành vi phi đạo đức, phi nhân tính, đi ngược lại đạo hiếu của người Việt ./.