Trước sự việc trang trại của ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty Môi trường - đô thị thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) chôn lấp khoảng 100 tấn chất thải từ Formosa, PGS.TS Lưu Đức Hải, Giảng viên cao cấp, Khoa Môi trường - ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: Cần đưa ra xử lý hình sự nếu bãi chôn lấp chất thải này không được cấp phép.

Phóng viên VOV.VN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lưu Đức Hải về vụ việc này.

Có lợi ích kinh tế, tham nhũng ở đằng sau hay không?

PV: Thưa PGS.TS Lưu Đức Hải, ông đánh giá như thế nào về trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong vụ chôn lấp chất thải của Formosa lần này?

PGS.TS Lưu Đức Hải: Về mặt quản lý, tôi cho rằng sở Tài nguyên – Môi trường Hà Tĩnh sẽ phải trả lời rất nhiều câu hỏi với người dân. Loại chất thải của Công ty Formosa được phân loại như thế nào, loại nào có thể chôn lấp và loại chất thải nguy hại nào cần phải tiêu hủy? Họ có cho phép Công ty Môi trường thị xã Kỳ Anh được phép dựng bãi chôn lấp chất thải nguy hại hay không?

xa_thai_2_hmrt.jpg
Cận cảnh khu chôn lấp chất thải của Formosa tại thị xã Kỳ Anh (Ảnh: Văn Chương)

Nếu việc chôn lấp chất thải của Công ty Môi trường thị xã Kỳ Anh trong khu vực chưa được quy hoạch và cấp phép chôn lấp, đặc biệt là chất thải nguy hại, thì sẽ phải đưa ra xử lý hình sự trước pháp luật.

Chúng ta có Bộ luật Hình sự sửa đổi, trong đó, các loại tội phạm về môi trường cũng được quy định rất rõ, bên cạnh đó là Luật Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, cần xem xét việc thực thi luật như thế nào? Nhiệm vụ bây giờ của các cơ quan chức năng là phải kiểm tra xem: bãi chôn lấp tại trang trại của ông giám đốc Công ty môi trường Kỳ Anh có được cấp phép không, Công ty Môi trường Kỳ Anh có giấy phép xử lý chất thải nguy hại không? Loại chất thải nào Công ty được phép thu gom xử lý?... Ai thực hiện sai, sai đến đâu thì sẽ phải chịu trách nhiệm đến đó!

PGS.TS Lưu Đức Hải
Theo tôi, cần kiểm tra thêm các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh có biết về sự việc thu gom và xử lý chất thải của Công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh hay không? Nếu biết mà cơ quan chức năng nhưng làm lơ đi thì cơ quan quản lý cần phải chịu một phần trách nhiệm, nếu không biết thì năng lực quản lý của họ cần phải nâng cao lên.

Vì người dân tin vào chính quyền và các cơ quan chức năng đại diện cho chính quyền, sự việc bị phát giác đều từ phía báo chí và người dân. Cần xem xét ở đây có sự cả nể, hay lợi ích kinh tế, có tham nhũng ở đằng sau hay không? Nếu có phải xử lý nghiêm, triệt để.

Trong trường hợp những người làm việc này không biết luật, do vô tình thì khi xử lý cần xem xét. Còn ở đây rõ ràng là biết nhưng vẫn cố tình làm thì tội phải nặng hơn, nhất là xử lý trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.

PV: Đối với chất thải rắn như thế này, biện pháp xử lý như thế nào là khoa học, thưa Phó Giáo sư?

PGS.TS Lưu Đức Hải:Có rất nhiều cách để xử lý chất thải, tuy nhiên tất cả các cách đều rất tốn tiền nếu như làm đúng yêu cầu về kỹ thuật. Thế nên các doanh nghiệp tìm cách trốn và xả trực tiếp ra môi trường một cách lén lút.

Nhất là nếu được “bật đèn xanh” của các cơ quan, cá nhân giữ cương vị quản lý thì họ không ngại gì mà không làm. Ở đây rõ ràng là có chuyện này, bởi nó gắn với lợi nhuận đôi bên, mặc dù họ biết rõ sẽ tác động ghê gớm tới môi trường như thế nào.

Đối với chất thải rắn công nghiệp, chôn lấp chỉ là biện pháp cuối cùng sau khi xử lý đạt các yêu cầu kỹ thuật; bãi chôn lấp phải được quy hoạch và cấp phép, đồng thời phải được xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ thuật.

Dưới biển thế nào, trên cạn tương tự

PV: Hậu quả của việc chôn lấp chất thải của Formosa có tác động như thế nào tới môi trường, thưa ông?

PGS.TS Lưu Đức Hải:Về việc Formosa chôn chất thải rắn, hiện tôi chưa nắm rõ loại chất thải được chôn lấp thuộc loại nào, nên chưa thể đánh giá được hết những khả năng nguy hại có thể diễn ra với môi trường đất, nước.

Tuy nhiên, nếu là cặn thau rửa đường ống, tương tự như loại cặn trước đó được phát tán ra biển gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung thì tác hại không nhỏ. Trong chất thải này chắc chắn sẽ chứa nhiều thành phần độc hại như Fenol, Cyanur, kim loại nặng như sắt, đồng… tồn tại dưới dạng bùn nhão đen, hôi thối.

Chất thải rắn mà Formosa chôn lấp (Ảnh: Văn Chương)

Nếu các chất này chưa được xử lý đúng quy trình đã xả ra môi trường thì tác hại với biển thế nào cũng sẽ độc như vậy với đất, sông, môi trường sống trên cạn y như vậy.

Việc chôn lấp gần nguồn nước chắc chắn sẽ nguy hại, đặc biệt nếu như chôn lấp không đảm bảo kỹ thuật. Có thể nguồn chất thải này sẽ ngấm theo nước ngầm, hòa vào nước sông, vào nước sinh hoạt của người dân.

Tôi nhấn mạnh một lần nữa, Công ty môi trường đô thị Kỳ Anh có được cấp phép quản lý chất thải nguy hại không? Đất trang trại của ông Giám đốc Công ty Môi trường đã được quy hoạch và phê duyệt là bãi chôn lấp chất thải rắn hay không?

Những ai đứng sau bao che, lén lút cho việc làm này và bản thân ông Giám đốc Công ty rõ ràng vi phạm pháp luật, cần phải xử lý thật nặng để làm gương.

PV: Xin cảm ơn PGS.TS Lưu Đức Hải!.

PGS.TS Lưu Đức Hải nói thêm: Tôi đã từng khuyến cáo, những doanh nghiệp như Formosa có nguy cơ gây nguy hại cho môi trường rất lớn. Formosa sản xuất sắt thép nên sử dụng một lượng điện rất lớn, gây ô nhiễm trầm trọng.

Họ lợi dụng chính sách trợ cấp về năng lượng do không tính các chi phí tài nguyên và môi trường vào giá điện của Nhà nước ta để sinh lãi, trong khi lại tàn phá môi trường.

Các cơ quan quản lý môi trường của các địa phương khác và Trung ương cũng cần kiểm tra lại các doanh nghiệp công nghiệp lớn khác trên cả nước theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, để tránh xảy ra các sự cố tương tự, vì một trong các nguyên tắc quan trọng của quản lý môi trường: “Cần ưu tiên vào việc kiểm soát, xử lý ngăn ngừa ô nhiễm môi trường hơn việc để xảy ra ô nhiễm rồi sau đó xử lý”.