Khi sự việc xảy ra, nhiều người tỏ ra đồng cảm với chủ nhà hàng về những thiệt hại không mong muốn, tuy nhiên nhiều ý kiến khác cho rằng cơ sở kinh doanh này đã quá bất cẩn khi chỉ “hợp đồng miệng”, không đặt cọc với một khách quen thường xuyên lui đến quán, trong khi số lượng cỗ cưới 150 mâm có giá tiền không nhỏ. Qua sự việc này đã cho thấy những hậu quả khôn lường từ thói quen chỉ làm “hợp đồng miệng” của các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ vẫn đã và đang thực hiện từ trước đến nay.

Theo đơn trình báo sự việc với Công an phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, ông Vũ Thế Long, sinh năm 1988, Chủ nhà hàng Tâm Phúc, địa chỉ tại tổ 9, phường Mường Thanh cho biết: vào khoảng giữa tháng 9/2020 có tiến hành giao kết hợp đồng bằng miệng với một khách nữ thường xuyên lui đến nhà hàng ăn uống, yêu cầu nhà hàng làm cỗ cho đám cưới của mình. Theo đó vị khách nữ này đặt 150 mâm cỗ cưới có giá tiền 1.350.000 đồng/mâm, hẹn tổ chức vào trưa ngày 30/9/2020. Tuy nhiên đến thời điểm tổ chức, không có bất cứ khách khứa nào đến dự tiệc, người đặt cỗ được cho là cô dâu sau đó không liên lạc được nên nhà hàng đã trình báo sự việc với cơ quan công an.

Ngay sau khi nhận được tin báo, Công an thành phố Điện Biên Phủ đã khẩn trương vào cuộc điều tra làm rõ sự việc và xác định được người đặt cỗ cưới là Cà Thị Út, sinh năm 1996, có hộ khẩu thường trú tại bản Co Thón, xã Pá Khoang, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên sau khi vụ việc xảy ra, Cà Thị Út đã tắt điện thoại không liên lạc được, bỏ trốn khỏi địa bàn sinh sống nên phải nhờ đến 3 tổ công tác tìm kiếm. Đến tối 1/10 cơ quan công an mới tìm thấy người phụ nữ này khi đang có ý định bỏ trốn sang biên giới, triệu tập về trụ sở để lấy lời khai. Trong ngày 2/10, chủ nhà hàng và những người có liên quan khác cũng đã được triệu tập đến cơ quan công an để lấy lời khai, làm rõ bản chất sự việc gây xôn xao dư luận này.

Chị Bùi Thị Kim Anh, hàng xóm với Chủ nhà hàng Tâm Phúc tại tổ dân phố 9, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ cho biết: gia đình chủ nhà hàng anh Long – chị Tuyết là những người hiền lành, thật thà, sống tốt với mọi người, được lòng người dân trong khu phố. Khi có những sự kiện của phố xóm, anh chị đều tham gia nhiệt tình giúp đỡ, phố cũng hay nhờ nhà hàng làm cơm trong những sự kiện liên hoan hay tổ chức ngày hội đại đoàn kết.

Trước khi sự việc xảy ra, gia đình có đến nhiều nhà trong khu phố trình bày việc không gian nhà hàng hạn hẹp, việc dựng rạp chuẩn bị cho 150 mâm cỗ cưới ít nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến kinh doanh, buôn bán của hộ gia đình khác, tuy nhiên ai cũng vui vẻ đồng ý giúp đỡ nhà hàng trong thời buổi kinh tế gặp khó khăn sau đại dịch Covid-19. Sau khi sự việc xảy ra, chia sẻ với bà con phố xóm, gia đình cho biết không có mâu thuẫn, xích mích với ai và cũng rất mong muốn được làm rõ nguyên nhân tại sao cô gái lại làm một việc gây tổn thất kinh tế lớn đối với gia đình. Gần 2 ngày qua, gia đình và nhân viên trong nhà hàng vô cùng buồn bã vì vừa phải lo dọn dẹp đồ đạc, cỗ thừa tiệc cưới bị “bom”, vừa lo lắng vì không biết liệu có lấy lại được số tiền trên để chi trả cho nguyên vật liệu làm cỗ, nhiều bát đũa, phông rạp khác phải đi thuê.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, trong buổi chiều 30/9 nhà hàng đã phải kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ “giải cứu” những mâm cỗ cưới với mức giá giảm hơn một nửa so với giá đặt ban đầu là 1.350.000 đồng/mâm, song không hiểu vì sao bán hết cỗ vẫn chỉ thu về được khoảng 30 triệu đồng. Nhiều người đến mua hàng tỏ ra đồng cảm với những thiệt hại không mong muốn của nhà hàng, song cũng có nhiều ý kiến cho rằng nhà hàng đã quá bất cẩn khi làm đến 150 mâm cỗ, tổ chức một sự kiện rất lớn mà lại chỉ giao kết với nhau bằng “hợp đồng miệng”, không có đặt cọc.

Chia sẻ ý kiến về nội dung này, chị Phạm Thị Bích Thảo, Chủ nhà hàng Phương Thảo trên địa bàn phường Mường Thanh cho biết: việc các cơ sở kinh doanh ăn uống nhỏ trên địa bàn thường sử dụng phương thức “hợp đồng miệng” với khách vẫn diễn ra khá phổ biến, hàng ngày. Ngay cả với bản thân nhà hàng của chị vẫn sử dụng phương thức đặt hàng này với những khách quen hoặc được người quen giới thiệu và cũng không bao giờ đặt cọc. Việc giao dịch được thực hiện trên cơ sở niềm tin của nhà hàng với khách hàng và cũng để thể hiện uy tín, chiều khách của nhà hàng chứ không ai nghĩ sẽ có người lợi dụng niềm tin này để gây thiệt hại cho người khác. Đối với nhà hàng Tâm Phúc, có lẽ bản thân nhà hàng cũng sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến việc khách hàng sẽ đem chuyện cả đời ra để làm trò đùa nên không mảy may suy nghĩ và vẫn nhiệt tình thực hiện dựng phông rạp, làm cỗ bàn. Chỉ đến khi sự việc xảy ra, những chứng cứ để khẳng định giao kết này có hay không mới trở nên khó khăn, mơ hồ, thậm chí gây khó cho cơ quan chức năng trong việc điều tra làm rõ vụ việc.

Trao đổi về nội dung này với phóng viên VOV, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Điện Biên Phủ cho biết: chính quyền địa phương đã nắm được vụ việc và đang đề nghị Công an thành phố Điện Biên Phủ tập trung điều tra làm rõ bản chất. Tuy nhiên đây là câu chuyện đã cho thấy sự manh nha thiệt hại về kinh tế và những hậu quả khó lường giữa hình thức “hợp đồng miệng” hay các thỏa thuận dân sự không có cam kết rõ ràng, rành mạch. Trong thời gian tới chính quyền địa phương sẽ cho rà soát lại cách thức hoạt động của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn, đặc biệt là những hộ kinh doanh nhỏ lẻ để tuyên truyền nâng cao nhận thức về vấn đề này. Thế nhưng trước khi tìm ra những giải pháp hữu hiệu thì ngay bản thân các cơ sở kinh doanh, người dân cũng phải tự nêu cao ý thức bảo vệ tài sản của mình khi tiến hành các giao dịch tương tự và có ràng buộc rõ ràng, tránh để những “hợp đồng miệng” gây ra hậu quả khó lường như vụ việc của nhà hàng Tâm Phúc vừa qua./.