Một vụ đánh đập, hành hạ trẻ lại vừa xảy ra tại Trung tâm Nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em Linh Xuân ở quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh gây bức xúc và bất bình trong dư luận. Việc này khiến chúng ta một lần nữa đặt câu hỏi, phải chăng công tác quản lý, chăm sóc bảo vệ trẻ em vẫn bị buông lỏng?

Phóng viên VOV phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm về nội dung này.

20150407_085418_tgkn.jpgThứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Trọng Đàm trả lời phỏng vấn phóng viên VOV

PV: Trước hết, xin ông cho biết cảm xúc của mình khi xem lại hình ảnh những bảo mẫu đánh đập trẻ ở cơ sở này mà báo chí vừa phát hiện?

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Tôi hết sức bất bình, bức xúc và thấy buồn khi xem lại những hình ảnh này, bởi tôi thấy không phải một cô với một cháu mà nhiều cô đã có những hành vi đánh đập rồi mắng nhiếc các cháu rất nhiều lần.

Theo thông tin mà báo chí cung cấp, thì sự việc này đã được theo dõi cả tháng nay và như vậy thì rất buồn bởi cách ứng xử, chăm sóc các cháu rất phản cảm, phản tác dụng ở một trung tâm mà lẽ ra các cháu phải được chăm sóc chu đáo hơn, được nhận tình thương lớn hơn từ những bảo mẫu, người chăm sóc. Các cháu là những đứa trẻ mồ côi, mang bệnh tật như vậy nhưng các cô thì vô cảm khi làm những việc này đối với các cháu.

PV: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã vào cuộc xử lý vụ việc như thế nào, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm:Khi nhận được thông tin này, tôi đã gọi điện ngay cho các đồng chí có trách nhiệm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu Sở kiểm tra ngay việc này và báo cáo về Ủy ban thành phố, về Bộ rồi có hướng giải quyết, xử lý nghiêm việc này.

Đồng thời, giao cho Cục Bảo trợ xã hội của Bộ có văn bản yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Linh Xuân kiểm tra lại sự việc và rà soát lại toàn bộ hoạt động của Trung tâm, báo cáo kết quả xử lý về Bộ.

PV: Thưa ông, đây không phải là lần đầu tiên việc bảo mẫu và người trông trẻ đánh đập, hành hạ trẻ em xảy ra, song tất cả vụ việc được phát hiện là do người dân biết và báo chí lên tiếng. Phải chăng công tác quản lý Nhà nước ở địa phương về bảo vệ trẻ em đang bị buông lỏng, bỏ ngỏ?

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Nói là bị buông lỏng hoàn toàn thì không phải, nhưng cách quản lý của chúng ta cần phải thay đổi. Các cơ quan cấp trên đôi khi xuống kiểm tra, xuống nắm tình hình nhưng việc kiểm tra, tổ chức hoạt động, trách nhiệm phải là của lãnh đạo Trung tâm và các phòng ban của Trung tâm phải làm thường xuyên thì tôi thấy việc làm này chưa được.

Chúng ta cũng quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, nhưng có những thứ các cháu cần thì chúng ta lại không nói, không đào tạo bồi dưỡng cho họ. Ví dụ như sự cảm thông và chia sẻ của các mẹ, các bảo mẫu và đây là khoảng trống một sự thiếu hụt của chúng ta.

PV: Theo ông, thời gian tới, các cấp chính quyền địa phương cần phải vào cuộc hơn nữa và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cần phải sát sao trong giám sát như thế nào để ngăn chặn những vụ việc tương tự?

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Về phía Bộ, tới đây chúng tôi sẽ cho rà soát lại các văn bản hướng dẫn. Các quy định của chúng ta về chức danh, nghiệp vụ, tiêu chuẩn có cả rồi nhưng vẫn còn thiếu những điều thực tiễn đời sống thì cần phải bổ sung, ví dụ như lựa chọn con người, các cô bảo mẫu. Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý cần phải tập trung điều này.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng công tác tuyển dụng và sắp xếp, bố trí công việc cho những người trực tiếp làm công tác chăm sóc các cháu là cần phải đặt lên hàng đầu với một yêu cầu rất là cao, sự đánh giá rất tinh tế đối với những người này. Bởi vì làm công việc này phải chọn những người có tâm, có tình thương, có sự cảm thông chia sẻ.

Ngoài việc có công ăn việc làm, đảm bảo cuộc sống, điều lớn hơn là họ thay mặt xã hội để chăm lo đối với nhóm yếu thế. Điều này chúng ta làm chưa tốt. Chúng ta tuyển chọn, bố trí còn chung chung. Các trung tâm cần phải làm được điều đó.

Chúng tôi cũng sẽ có ý kiến đối với thành phố và cơ quan chức năng cần làm rõ một cách nghiêm khắc, nghiêm túc; mức độ vi phạm đến đâu phải xử lý đến đó. Các cô này nếu ở mức độ vẫn còn được làm việc thì phải bố trí việc khác thế, còn nặng thì buộc phải xử lý, kể cả thôi việc hoặc nếu vi phạm đến luật pháp thì phải xử lý theo luật pháp.

PV: Xin cảm ơn ông!./.