Liên quan vụ đổ trộm dầu thải tại khu vực nhà máy nước sạch sông Ðà, ngày 17/10, thiếu tá Nguyễn Hữu Ðức, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, cơ quan CSÐT đã ra quyết định khởi tố vụ án “Gây ô nhiễm môi trường” theo quy định tại điều 235, Bộ luật Hình sự.
Một số vị trí, dầu bám dính trên đá, suối vẫn có mùi khét tại đầu suối Trầm dẫn nước vào nhà máy nước sạch sông Đà. Ảnh Vietnamnet. |
Có 3 nguồn nước khác nhau chảy vào nhà máy
Tại buổi họp báo “Thông tin về nguồn nước sạch bị ô nhiễm cung cấp cho TP Hà Nội” do UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức chiều 17/10, trả lời câu hỏi của phóng viên về đảm bảo an ninh nguồn nước tại Nhà máy nước sạch sông Đà, ông Trần Hiếu Phương, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình cho biết: Tỉnh Hòa Bình đã cắm mốc ven hồ giao cho công ty thủy lợi phối hợp với cơ quan chức năng để quản lý, khai thác nguồn nước, đảm bảo nguồn nước.
“Sau khi mặt bằng giao cho Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) tiếp quản, thực hiện dự án, họ phải có trách nhiệm đảm bảo nước an toàn rồi mới được phép mang vào sản xuất. Về lâu dài, công ty này phải kiểm soát cả nguồn nước từ các suối đổ về”, ông Phương nói.
UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức họp báo chiều 17/10,“Thông tin về nguồn nước sạch bị ô nhiễm cung cấp cho TP Hà Nội” . |
Về nguồn nước đang cấp cho nhà máy, cả đại diện Sở TN-MT và Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình đều thừa nhận, ngoài nước sông Đà được bơm vào hồ chứa (Đầm Bài), hiện hồ chứa nhà máy còn có các nguồn nước khác chảy vào, gồm nước tại 3 con suối, các khe nước từ các quả đồi và nước tự nhiên khi mưa xuống tại các ruộng, nương xung quanh.
Để hạn chế nguồn nước bị ô nhiễm, có cần giải pháp đóng kín, tách biệt kênh dẫn nước từ sông Đà vào nhà máy? Ông Trần Hiếu Phương nói, đây là giải pháp địa phương cũng đã nghĩ đến và sắp tới sẽ đề nghị nhà đầu tư thực hiện việc này.
Viwasupco quanh co không xin lỗi dân, không nói về đền bù cho dân
Là người đại diện Viwasupco tham dự buổi họp báo, ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đàlà trung tâm chú ý và nhận được nhiều câu hỏi nhất. Khác với tác phong và cử chỉ của đại diện các sở ngành tỉnh Hòa Bình là đứng lên giới thiệu tên - tuổi, phát biểu thì ông Nguyễn Đăng Khoa chỉ ngồi trả lời câu hỏi của chủ tọa cũng như phóng viên.
Trước sự việc trên, phóng viên đã đề nghị ông Khoa đứng lên để thuận lợi cho việc ghi hình. Tuy nhiên, tác phong đứng và trả lời của ông Khoa cũng không giống ai - hết ngả nghiêng, rồi lại ngồi xuống khi trả lời phóng viên, thỉnh thoảng cười nhếch mép.
Vẫn không đưa ra một lời xin lỗi với cả triệu người dân Hà Nội dùng nước bẩn nhiều ngày qua, lãnh đạo công ty nước sạch sông Đà còn ngạo mạn nói "Chúng tôi mới là người bị thiệt hại lớn". |
Đại diện Viwasupco cho rằng, công ty đã áp dụng các biện pháp để đảm bảo chất lượng nước đầu vào đạt tiêu chuẩn. Đơn vị cũng đã thuê Trung tâm Ứng phó sự cố để nạo vét, xử lý chất thải, đặc biệt là dầu để đảm bảo nguồn nước cho nhân dân.
“Chiều qua trong cuộc họp khẩn với UBND thành phố Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khẳng định chất lượng nước sông Đà đã đạt tiêu chuẩn. Styren đã dưới chuẩn. Căn cứ kết quả, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo công ty nước sạch sông Đà cấp nước lại. Tuy nhiên, thành phố Hà Nội cũng yêu cầu chưa công bố nước đủ tiêu chuẩn để ăn uống”, ông Khoa nói.
Vậy đến bao giờ nước sạch trở lại và người dân có thể sử dụng để ăn, uống? Đại diện Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà cho biết: Đến nay vẫn chưa có kết quả phân tích của cơ quan đại diện thành phố Hà Nội nên công ty khuyến cáo nước chỉ dùng để tắm rửa, vệ sinh theo đúng khuyến cáo của UBND thành phố Hà Nội”.
Người dân à Nội thwucs cả đêm xếp hàng chờ xin nước từ xe bồn do sự cố nước sông Đà bị nhiễm bẩn. |
Khi nào có kết luận xét nghiệm chỉ tiêu thì mới có thể khẳng định được; kết luận xét nghiệm ngày 16/10, công ty chưa nhận được. Điều này phụ thuộc vào tiến độ Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP Hà Nội. Mong cơ quan báo chí có ý kiến để cơ quan chức năng sớm có kết quả xét nghiệm nước đầu ra”, ông Khoa nói.
Phóng viên đề cập đến trách nhiệm của Viwasupco trong vụ việc và liệu có bồi thường thiệt hại cùng với xin lỗi khách hàng là người dân Hà Nội? Ông Khoa cho rằng, về trách nhiệm thì bản thân Viwasupco cũng là nạn nhân trong vụ việc. Còn bồi thường thiệt hại và xin lỗi người dân, ông Khoa nói, chưa đủ cơ sở để thực hiện việc này.
Theo ông Khoa, hiện cơ quan công an đã khởi tố vụ án. “Khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng chúng tôi chưa thể nói trước điều gì. Khi có kết luận rõ ràng, chúng tôi sẽ có những biện pháp cụ thể”, ông Khoa nói.
Viwasupco phải bồi thường thiệt hại cho người dân – người tiêu dùng
Theo Luật sư Ngô Anh Tuấn - Công ty luật TNHH Naci Law – Đoàn luật sư TP Hà Nội, trong vụ việc gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt liên quan đến trách nhiệm của Công ty Viwasupco, dưới góc độ pháp lý cần phải xem xét trách nhiệm của cả các cá nhân và tổ chức (doanh nghiệp) liên quan về trách nhiệm hình sự và dân sự.
Việc làm của Viwasupco là vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của người tiêu dùng khi cung cấp sản phẩm kém chất lượng. |
Về góc độ hình sự: các hành vi này có thể bị xem xét xử lý về các tội: Tội Gây ô nhiễm môi trường (điều 235, Bộ luật Hình sự 2015) - đã khởi tố vụ án ngày 16/10/2019; Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360 BLHS 2015).
Về góc độ dân sự: Các hành vi vi phạm của các cá nhân, tổ chức nêu trên có thể bị xem xét xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại điều 608, bộ luật Dân sự 2015 (“Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”).
Hiện nay BLHS chưa có quy định cụ thể về tội phạm tương ứng đối với hành vi cố ý bán nước nhiễm bẩn cho người dân của Công ty Viwasupco. Xét về bản chất, Công ty Viwasupco đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ nước sạch cho người dân được hiểu là quan hệ mua bán sản phẩm hàng hóa. Hành vi cố ý bán nước nhiễm bẩn của Công ty Viwasupco (chủ thể sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ) cho người dân (dù trước đó đã biết biết nước nhiễm bẩn từ dầu thải) đã vi phạm Điều 608, bộ luật Dân sự 2015.
“Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”); Khoản 1, điều 23, luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (“Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng”); Điều 7 Thông tư 41/2018/TT-BYT (Thông tư 41) ban hành Quy chuẩn về chất lượng nước sạch sinh hoạt (“…Đơn vị cấp nước chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng nước sạch do đơn vị cung cấp; Lưu trữ và quản lý hồ sơ theo dõi về chất lượng nước sạch; Báo cáo biện pháp khắc phục các sự cố liên quan đến chất lượng nước sạch; Công khai thông tin về chất lượng nước sạch…”, Luật sư Ngô Anh Tuấn nói.
Luật sư Ngô Anh Tuấn khẳng định, công ty Viwasupco phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân – người tiêu dùng theo quy định; Người dân cần thống kê chi tiết thiệt hại do dùng nước Sông Đà bị ô nhiễm để làm đơn khởi kiện Công ty Viwasupco yêu cầu Tòa án buộc Công ty Viwasupco bồi thường thiệt hại.
Trước đó, trả lời phỏng vấn của VOV.VN, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Bộ phận Thường trực, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, việc làm của Viwasupco là vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của người tiêu dùng khi cung cấp sản phẩm kém chất lượng. Không chỉ về chất lượng nước sạch, Viwasupco trước đây đã liên tục để vỡ đường ống dẫn nước sạch làm ảnh hưởng đến đời sống của hàng vạn người dân của Thủ đô.
“Chúng tôi tiếp tục theo dõi sự việc và sẽ có yêu cầu xử lý chính thức đến các ban ngành của thành phố và doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất”, ông Hùng nói.
Trong khi đó, Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Hà Nội) nêu ý kiến, đối với việc để dầu thải làm ô nhiễm nguồn nước hồ Đồng Bài với khối lượng 300.000 m3/ngày đêm gây hậu quả nghiêm trọng như trên, nếu đối tượng là cá nhân mà thực hiện với lỗi cố ý nhằm mục đích làm ô nhiễm nguồn nước của nhà máy cấp nước sinh hoạt gián tiếp thiệt hại cho người dân thì có thể bị xử lý hình sự với tội danh “tội gây ô nhiễm môi trường” theo điều 235 Bộ Luật hình sự năm 2015.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, Công ty Viwasupco đã biết nguồn nước bị ô nhiễm nhưng chưa khắc phục mà vẫn cố tình cũng cấp nước không đảm bảo chất lượng cho khách hàng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi này của doanh nghiệp cần cá thể hoá trách nhiệm của cá nhân người quản lý có nghĩa vụ đã chỉ đạo cố tình vận hành cấp nước bẩn.
“Trường hợp này, Viwasupco ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính còn phải chịu nghĩa vụ bồi thường theo hợp đồng cung cấp đã ký và theo quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành. Người dân bị ảnh hưởng cũng có thể tập hợp đơn kiến nghị gửi lên UBND thành phố, từ đó thành phố thành lập tổ chức đại diện tiến hành khởi kiện doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Viwasupco cần phải miễn phí sử dụng nước cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng ngay trong tháng này hoặc trong các tháng kế tiếp”, luật sư Hoàng Tùng nêu rõ./.
Viwasupco chưa xin lỗi người dân Hà Nội về vụ nước sông Đà nhiễm bẩn
Nước sông Đà bẩn sao vẫn bán cho dân?
Hà Nội khốn khổ vì nước có mùi lạ: Chất bẩn từ đầu nguồn nước sông Đà?