Hôm nay (22/12), tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội thảo khoa học “Vaccine Việt Nam – Phát triển và hội nhập”.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, chương trình tiêm chủng mở rộng là một trong những biện pháp dự phòng an toàn nhất, hiệu quả nhất để dự phòng tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống.

tiem_chung_11_xxfu.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội thảo

Sau 30 năm triển khai tiêm chủng mở rộng, khoảng 6,7 triệu trẻ em Việt Nam tránh khỏi 5 bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng bằng vaccine (uốn ván sơ sinh, sởi, bạch hầu, ho gà, bại liệt) và phòng gần 43.000 ca tử vong do các căn bệnh này.

Việt Nam là 1 trong số 39 quốc gia trên thế giới và là top 2 trong 10 nước ASEAN có nền nghiên cứu và sản xuất vaccine, đặc biệt, đã sản xuất được 10/11 loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Nhờ vậy, Việt Nam đã chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thời gian qua, đồng thời làm thay đổi căn bản mô hình bệnh tật.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đã xuất khẩu nhiều loại vaccine như tả, thương hàn… nhưng chưa có được một nền công nghiệp vaccine để cung ứng cho thị trường thế giới. Nhất là năm 2015, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận đạt chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý vaccine (NRA).

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, khi Việt Nam đạt được tiêu chuẩn quốc tế, cánh cửa xuất khẩu vaccine ra thế giới là rất rộng mở. Điều then chốt cần giải quyết cuối cùng chính là năng lực sản xuất, cạnh tranh, phát triển của các công ty vaccine”./.