Việt Nam là 1/16 quốc gia có tính đa dạng cao trên thế giới

Các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (ngày 05 tháng 6) do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động được Việt Nam hưởng ứng từ năm 1982 đến nay đã trở thành phong trào rộng khắp trên phạm vi cả nước góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

4_PDXB.jpg
Việt Nam được ghi nhận là một trong 16 quốc gia có tính đa dạng cao trên thế giới.

Năm 2020, chủ đề Ngày Môi trường thế giới được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) lựa chọn là “Hành động vì thiên nhiên” (Time for Nature).

Theo UNEP, năm nay là một năm quan trọng đối với các quốc gia trong việc cam kết bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học với việc tăng cường đồng loạt các biện pháp, hoạt động nhằm phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, bảo vệ tài nguyên nước, đồng thời đây là thời điểm mỗi quốc gia cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và trái đất của chúng ta.

Việt Nam được ghi nhận là một trong 16 quốc gia có tính đa dạng cao trên thế giới. Chúng ta đã có một hệ thống các Khu bảo tồn được thành lập. Hiện cả nước có 173 khu bảo tồn với tổng diện tích hơn 2.500 ha, gồm 33 vườn quốc gia; 66 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 56 khu bảo vệ cảnh quan (tăng 07 khu bảo tồn so với năm 2015 với tổng diện tích tăng thêm gần 73.260 ha).

Đến nay, nước ta có 9 khu Ramsar với tổng diện tích hơn 120.000 ha; có 10 khu bảo tồn biển đã được thành lập với tổng diện tích gần 188.000 ha; có 09 khu vực được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới với tổng diện tích hơn 4,2 triệu ha. Trong năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng hồ sơ đề cử và được Ban Thư ký ASEAN công nhận thêm 04 Vườn di sản ASEAN, nâng tổng số vườn di sản ASEAN của Việt Nam thành 10 khu.

Voọc Chà Vá chân nâu sống tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Tổ chức quốc tế triển khai thành công việc thành lập 2 khu bảo tồn đất ngập nước, đó là khu Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) và Phá Tam giang - Cầu Hai (tỉnh Thừa - Thiên Huế).

Hướng đến Ngày Môi trường thế giới, Việt Nam đề ra nhiều khẩu hiệu như: Hài hoà với thiên nhiên – Gìn giữ bảo tồn đa dạng sinh học; Trái đất cần chúng ta! Hãy liên kết chống lại biến đổi khí hậu; Hãy sử dụng đồ dùng từ vật liệu tái chế; Đánh bắt hải sản sai cách là phá hủy cân bằng sinh học; Sử dụng nguồn nguyên liệu xanh là góp phần bảo vệ môi trường; Sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đa dạng sinh học; Đa dạng sinh học – Hành trình duy trì sự sống; Đa dạng sinh học – Nhận thức đúng, hành động đủ; Hành động vì thiên nhiên – Trách nhiệm của chúng ta.

Việt Nam cần khẳng định sự đóng góp đa dạng sinh học cho thế giới

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, thời gian qua, công tác bảo tồn đa dạng sinh học đã huy động được sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân.

“Bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn loài hoang dã nguy cấp, quý hiếm, việc tăng cường thực thi pháp luật về bảo vệ các loài hoang đã được chú trọng đẩy mạnh trong những năm qua đã góp phần ngăn chặn việc buôn bán, tiêu thụ các loài nguy cấp, vừa góp phần bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam và Thế giới”, ông Nhân cho hay.

Theo ông Nhân, thông qua Chương trình quỹ gen đã tiến hành bảo tồn nguồn gen quý trên phạm vi cả nước, đặc biệt nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản và dược liệu. Đến nay, trên toàn quốc đã có trên 30 tỉnh đưa các loại hình nhiệm vụ quỹ gen vào thực hiện hàng năm. Số lượng các nguồn gen quý hiếm được lưu giữ, bảo tồn tiếp tục gia tăng với 45.974 nguồn gen cây trồng nông nghiệp, 3.727 nguồn gen cây dược liệu, 887 giống vật nuôi, 207 giống thủy sản và 21.393 chủng vi sinh vật được lưu giữ.

Thời gian qua, công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam của các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Hệ thống quản lý và cấp phép tiếp cận quản lý nguồn gen và chia sẻ lợi ích đã đi vào hoạt động theo Nghị định số 59 của Chính phủ. Trong năm 2019 và đầu 2020, đã ban hành 40 Quyết định cho phép đưa nguồn gen ra nước ngoài phục vụ học tập, nghiên cứu không vì mục đích thương mại đối với các tổ chức, cá nhân đăng ký đủ điều kiện; 1 Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại; 1 Giấy phép tiếp cận nguồn gen.

Bộ TN&MT đã ban hành danh mục để quản lý, kiểm soát kèm theo chế tài xử phạt các hành vi vi phạm quy định pháp luật về kiểm soát loài ngoại lai xâm hại vào các quy định xử phạt vi phạm hành chính và hình sự. Hướng dẫn, chỉ đạo việc kiểm soát tình hình nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại. Kịp thời ngăn chặn các trường hợp nhập khẩu, buôn bán trái phép, như vụ việc trường hợp tôm hùm nước ngọt năm 2019.

Việt Nam đã thực hiện tốt công tác đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường để kiểm soát các tác động từ hoạt động phát triển kinh tế xã hội tới đa dạng sinh học. Các quy hoạch, kế hoạch, dự án có tiềm năng gây ảnh hưởng đến các hệ sinh thái, các loài sinh vật, khu bảo tồn thiên nhiên đều được chú trọng đánh giá tác động đa dạng sinh học để phòng ngừa và thực hiện các biện pháp và phương án giảm nhẹ tác động xấu tới môi trường và đa dạng sinh học.

Đặc biệt, năm 2019, đã có 3 chiến lược, quy hoạch đã được thẩm định báo cáo ĐMC; các Bộ, ngành đã phê duyệt 507 báo cáo ĐTM; 88 dự án được cấp trung ương xác nhận hoàn thành. Thông qua công tác ĐMC, ĐTM, đã có 47 hồ sơ báo cáo không được thông qua do chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu; các chiến lược, quy hoạch phát triển đã có sự điều chỉnh các định hướng phát triển, bố trí không gian phát triển và đầu tư phù hợp hơn về môi trường; hầu hết các dự án đầu tư đã được yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung các biện pháp giảm thiểu tác động có hại đến môi trường, trong đó tập trung vào các giải pháp phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, giám sát môi trường, nhất là đối với các dự án có nguồn thải lớn, thuộc lĩnh vực ngành nghề tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Trước khi bước vào “thập niên phục hồi hệ sinh thái”, ông Nhân cho rằng, Việt Nam cần chủ động để khẳng định được sự đóng góp trong việc thực hiện các mục tiêu chung của quốc tế F thông qua việc xây dựng các cơ chế chính sách mới, triển khai thực hiện các chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án về bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái rừng, biển, đất ngập nước bị suy thoái; bảo tồn hiệu quả loài và nguồn gen.

“Cần phải thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp và ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể là trong quá trình sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, chú trọng các quy định về bảo vệ các cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học, giảm các tác động từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tới đa dạng sinh học. Coi đầu tư vào vốn tự nhiên  là giải pháp để thực hiện phát triển bền vững”, ông Nhân cho biết.

Theo ông Nhân, cân tiếp tục thực hiện xây dựng Chiến lược và Quy hoạch quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học cho giai đoạn 10 năm tiếp theo, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ nhằm thực hiện mục tiêu bảo tồn đến năm 2030.

Tăng cường giải pháp quản lý thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng dẫn áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giảm nhẹ tác động tới các hệ sinh thái và đa dạng sinh học nói chung.

Tăng cường quản lý hệ sinh thái đất ngập nước, bao gồm thiết lập các khu bảo tồn đất ngập nước, phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; thực hiện chương trình bảo tồn loài nguy cấp; quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen.

Thúc đẩy các hoạt động quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học; làm cơ sở cho công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học.

Tiếp tục thúc đẩy hợp tác của các bên liên quan, bao gồm hợp tác quốc tế, sự phối hợp liên ngành, sự tham gia của khu vực tư nhân và cộng đồng. Đồng thời, tiếp tục tăng cường năng lực hệ thống quản lý Nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học từ Trung ương đến địa phương để nâng cao hiệu quả quản lý về đa dạng sinh học./.