Hội đồng Tiền lương Quốc gia vừa có phiên họp về lương tối thiểu vùng. Theo đó, đại diện người lao động là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và đại diện giới chủ sử dụng lao động là Liên đoàn Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thảo luận, đưa ra các luận điểm để làm căn cứ cho các phương án tính tiền lương tối thiểu vùng năm 2023.
Trao đổi về vấn đề tiền lương tối tiểu vùng, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách – Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia đề xuất nên tăng lương tối thiểu vùng sớm để áp dụng cho cả 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023 thay vì đợi đến đầu năm mới áp dụng mức lương mới như thông lệ, bởi 2 năm qua lương tối thiểu đã không được điều chỉnh do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Trong khi đó, phía Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại cho rằng, thời điểm này các doanh nghiệp đang phục hồi sản xuất sau khi bị tác động nặng nề từ đại dịch. Sau 2 năm không điều chỉnh, nguyện vọng tăng lương tối thiểu vào thời gian tới là nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động, song việc tăng lương cũng cần có tính toán kỹ lưỡng.
Các chuyên gia về tiền lương cho rằng, rất khó để tìm được tiếng nói chung về vấn đề tăng lương giữa đại diện người lao động và giới chủ sử dụng lao động, chỉ có thể tính toán cân nhắc để quan điểm của 2 bên gần nhau hơn. Việc tăng lương cần đảm bảo mức sống của người lao động song cũng cần tính đến khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Tăng lương tối thiểu để đáp ứng đời sống tối thiểu
Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Việt Cường, Giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý, ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, 2 năm qua lương tối thiểu vùng chưa tăng, qua phản ánh của người lao động cho thấy mức lương hiện tại chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Năm 2020, 2021 tình hình lạm phát được kiềm chế ở mức ổn định, song đầu năm 2022, lạm phát có xu hướng tăng cao hơn thì việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu là hết sức cẩn thiết để đáp ứng đời sống người lao động.
“Nói như vậy không có nghĩa là không tính đến khả năng chi trả của doanh nghiệp, số liệu thống kê cũng cho thấy thời gian xảy ra đại dịch, nhiều doanh nghiệp không thể trả lương người lao động trên mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, với bối cảnh kinh tế hiện nay, nhất là khi đã mở cửa trở lại, tình hình kinh tế phục hồi tốt hơn, doanh nghiệp đảm bảo được khả năng chi trả thì cần tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động. Quá trình xác định mức tăng cụ thể cần thảo luận, thương lượng nhiều lần giữa đại diện người lao động và chủ sử dụng lao động để đảm bảo có mức lương hợp lý nhất cho người lao động song cũng trong khả năng của doanh nghiệp", TS Nguyễn Việt Cường nói.
Theo đánh giá của TS Nguyễn Việt Cường, trong giai đoạn 2012-2017, lương tối thiểu vùng tăng nhanh, những năm gần đây tốc độ tăng lương tối thiểu bắt đầu giảm, thậm chí không còn theo kịp tốc độ phát triển kinh tế xã hội nói chung. Đại dịch xảy ra càng làm cho tiền lương thực tế của người lao động cũng như tỷ lệ lao động có mức lương dưới mức tối thiểu tăng lên.
Cho rằng việc tăng lương ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp, tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, tác động nhìn chung không nhiều, chủ yếu là ở nhóm doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI, hay nhóm ngành thâm dụng lao động. Việc tăng lương tối thiểu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mức đóng bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp vì thế muốn giữ nguyên nhằm giảm thiểu nhiều nhất việc tăng mức đóng bảo hiểm xã hội.
"Tôi cho rằng, tăng lương tối thiểu sẽ không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp, không đến mức doanh nghiệp phải chuyển đổi sản xuất, cắt giảm lao động như chúng ta đang lo ngại, ngay cả ở giai đoạn 2012-2017 khi tiền lương tối thiểu tăng ở mức cao thì cũng không xảy ra vấn đề này", TS Cường nói.
Cũng theo TS Nguyễn Việt Cường, thời gian qua Chính phủ không điều chỉnh tiền lương tối thiểu nhằm giảm áp lực cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn. Song trong bối cảnh hiện nay, việc tăng lương là cần thiết. Bên cạnh đó, không thể hỗ trợ doanh nghiệp chỉ bằng cách giữ nguyên tiền lương tối thiểu vùng mà có thể tính đến các chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, giảm thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp.../.