Theo Bộ LĐ-TB-XH, căn cứ quy định của Bộ luật Lao động và khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng theo tháng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động áp dụng từ ngày 1/1/2020.
Đề xuất tăng 6%
Bộ LĐ-TB-XH đề xuất các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng, cụ thể, vùng I là 4.680.000 đồng/tháng, vùng II là 4.160.000 đồng/tháng, vùng III là 3.640.000 đồng/tháng, vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu nêu trên tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành. Việc xác định mức điều chỉnh lương tối thiểu nêu trên dựa trên cơ sở tăng 5,3% để bảo đảm đủ mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ và tăng thêm 0,7% để cải thiện thêm tiền lương cho người lao động.
Mức điều chỉnh này có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, vừa chú ý cải thiện đời sống cho người lao động, vừa chú ý đến việc bảo đảm duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 100% thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất và khuyến nghị với Chính phủ điều chỉnh theo mức này.
Thời điểm thực hiện mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 như Hội đồng tiền lương quốc gia đã khuyến nghị với Chính phủ.
Bộ LĐ-TB-XH tính toán, phương án lương tối thiểu nêu trên đã tính đến các tác động về việc làm, thất nghiệp, điều kiện sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, mức độ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Đa phần các doanh nghiệp đã trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu dự kiến, khi thực hiện mức lương tối thiểu mới chủ yếu chỉ làm tăng chi phí đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc. Đối với nhóm người lao động hiện nay đang hưởng lương thấp, phải điều chỉnh lại để bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu mới.
Cần sớm điều chỉnh lương tối thiểu để cải thiện đời sống người lao động
Thông thường, mức lương tối thiểu vùng được xem xét, điều chỉnh sau 1 năm thực hiện. Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, do từ đầu năm 2020 đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, sản xuất, kinh doanh, việc làm và đời sống của người lao động nên Chính phủ đã duy trì mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP cho đến nay (trên 2 năm) theo Khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia. Hiện tại, mức lương tối thiểu vùng này không còn bảo đảm được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ theo quy định của Bộ luật Lao động. Theo tính toán của Bộ phận kỹ thuật thuộc của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, mức lương tối thiểu hiện hành thấp hơn khoảng 1,3% so với mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ của năm 2022.
Bộ LĐ-TB-XH cũng nhận định, hiện nay dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam đã và đang khởi sắc, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp dần phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, đời sống của nhiều người lao động vẫn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác động từ dịch bệnh Covid-19, một bộ phận người lao động rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn do phải ngừng việc, mất việc, nghỉ việc không hưởng lương kéo dài, thu nhập giảm sút trong khi giá cả hàng hoá dịch vụ ngày càng tăng cao.
Thị trường lao động đang trong tình trạng chênh lệch cung - cầu, thiếu hụt nguồn cung lao động ở nhiều ngành, địa phương, nhiều lao động do đại dịch Covid-19 phải thôi việc, ngừng việc quay về quê hiện đang thiếu động lực quay trở lại làm việc. Tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp hiện nay đang có xu hướng thiết lập lại các điều kiện lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động, theo đó đang tiềm ẩn những mâu thuẫn, phức tạp, có thể phát sinh thành các tranh chấp. Đa số người lao động hiện nay đều có mong muốn người sử dụng lao động điều chỉnh tăng tiền lương, phụ cấp lương và cải thiện các chế độ đãi ngộ khác cho phù hợp với bối cảnh phục hồi kinh tế. Nhiều cuộc đình công xảy ra từ đầu năm đến nay đều xuất phát từ mong muốn này của người lao động.
Đối với người sử dụng lao động, để phục hồi sản xuất và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, một số doanh nghiệp đã có sự chủ động điều chỉnh tăng tiền lương và các chế độ đãi ngộ đối với người lao động. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, mặc dù có điều kiện song hiện vẫn đang trông chờ vào sự điều chỉnh mức lương tối thiểu của Chính phủ để lấy đó làm căn cứ tiến hành thương lượng, điều chỉnh lại các chế độ cho người lao động.
Từ thực tế trên theo Bộ LĐ-TB-XH, việc Chính phủ sớm ban hành Nghị định điều chỉnh mức lương tối thiểu tháng và quy định mức lương tối thiểu giờ theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 để góp phần cải thiện đời sống của người lao động, hỗ trợ tích cực cho việc phục hồi thị trường lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sớm phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ là rất cần thiết hiện nay./.