Sáng nay (22/4), tại Bộ LĐ-TB-XH đã diễn ra Lễ ký kết chương trình phối hợp công tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) giai đoạn 2021-2025.

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, chương trình ký kết hợp tác nhằm tăng cường sự phối hợp giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Cục Việc làm trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách về giáo dục nghề nghiệp và việc làm nhằm củng cố, tạo dựng các giá trị mới, nâng cao vị thế và vai trò của các bên; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, việc làm và kiểm soát tốt tỷ lệ thất nghiệp trong thị trường lao động Việt Nam, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của quốc gia trong tình hình mới.

Cục trưởng Cục Việc làm cũng khẳng định, việc hợp tác này cần phối hợp đúng chức năng, nhiệm vụ 2 bên, được thực hiện thường xuyên, đảm bảo hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, tránh phô trương, hình thức.

Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Cục Việc làm tăng cường phối hợp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung như xây dựng, tham mưu xây dựng các chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của các bên. Xây dựng, triển khai chương trình, dự án, đề án tăng cường mối quan hệ giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các tổ chức dịch vụ việc làm. Xây dựng, triển khai các chương trình, dự án, đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho các đối tượng chính sách. Xây dựng thị trường lao động, chính sách việc làm gắn liền với giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng dự báo cung - cầu lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Hợp tác phát triển kỹ năng nghề quốc gia đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động...

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung ủng hộ việc ký kết hợp tác giữa Cục Việc làm và Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, việc gắn giáo dục nghề nghiệp với vấn đề việc làm là yêu cầu tất yếu, bắt buộc trong thời gian tới.

“Trong 5 năm qua, giáo dục nghề nghiệp đã có những bước chuyển biến nhất định, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Trong thời gian tới cần tập trung vào đào tạo lao động lành nghề, trí thức hóa công nhân, nông dân, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với thị trường lao động. Việc ký kết cần nói đi đôi với làm, làm sao để người lao động học thật, hành thật và sống được bằng nghề theo học. Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao nhận thức cho các bậc phụ huynh để họ hiểu rằng học nghề là điều tất yếu và yên tâm sống được bằng những nghề đó. Về phía Cục Việc làm cũng cần thiết lập được những dự báo về cung cầu lao động trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Không thể đào tạo theo kiểu gặp đâu đào tạo đó”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cũng đề cập đến việc cần chú trọng đào tạo trước đón đầu song song với việc đào tạo lại. Trong đó, Cục Việc làm cần sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí trong quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lao động trong các ngành nghề thâm dụng lao động như dệt may, da dày… nhằm ngăn ngừa và phòng chống trước nguy cơ thất nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng yêu cầu Cục Việc làm và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần quyết liệt chuyển đổi số với “tốc độ phi mã” để đáp ứng những yêu cầu trong bối cảnh mới./.