Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an, tính đến ngày 19/10, Bộ Công an đã cấp cho 49,8 triệu căn cước công dân (CCCD) gắn chip. Theo ghi nhận của lãnh đạo Cục, thời gian qua có nhiều ý kiến người dân liên quan đến vấn đề quản lý dân cư và CCCD gắn chip. Đề giải đáp ý kiến thắc mắc của người dân, Cục đã lập trang Fanpage “Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư” (facebook.com/ttdldct), sau hơn 1 tháng hoạt động trang ghi nhận trên 3000 kiến nghị, phản ánh, đặt câu hỏi xung quanh thủ tục, quy định cấp thẻ CCCD, nhất là tình trạng bị chậm trả thẻ đã nhiều tháng nay.
Liên quan đến vấn đề này, PV VOV.VN trao đổi với Thượng tá Vũ Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an.
Dữ liệu dân cư là nền tảng, là gốc để các Ban, Bộ, ngành sử dụng chung
PV: Hiện nay dư luận rất quan tâm đến việc Bộ Công an đang tích hợp các trường thông tin vào thẻ CCCD có gắn chíp điện tử. Thượng tá có thể cho biết tiến độ việc tích hợp các thông tin này đến đâu?
Thượng tá Vũ Văn Tấn: Như chúng ta đã biết, Chính phủ đã đầu tư ở hai hệ thống là dữ liệu dân cư và dữ liệu CCCD và giao cho Bộ Công an triển khai. Đến nay, Bộ cũng đã tiến hành triển khai một cách thần tốc và đạt được kết quả nhất định.
Đối với hệ thống dân cư, Bộ đã hoàn thành hệ thống với xấp xỉ 100 triệu dân. Bộ đã cấp cho toàn bộ định danh công dân trên toàn quốc, với số liệu dân cư đảm bảo đúng, đủ. Về căn cước, tính đến ngày 19/10, đã cấp cho 49,8 triệu CCCD.
Khi triển khai hai hệ thống, chúng tôi xác định, dữ liệu dân cư là nền tảng, là gốc để các Ban, Bộ, ngành sử dụng chung. Cho nên, việc tiến hành tích hợp những tiện ích lên chiếc thẻ CCCD, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) đã có nhiều giải pháp. Trong đó, hiện nay đã tích hợp toàn bộ phân hệ, mà chúng tôi gọi là “Phân hệ 68” về Nghị quyết của Thủ tướng đối với việc thực hiện chính sách an sinh xã hội trong giai đoạn COVID này.
Việc tích hợp này, đầu tiên tạo thuận tiện cho các đơn vị. Ví dụ như UBND phường hoàn toàn có thể giảm thiểu được nguồn nhân lực cũng như giảm thiểu được việc rà soát, ghi chép, xác thực. Ví dụ, khi một công dân đến được tích hợp trên nền CCCD, người ở UBND phường chỉ cần đọc mã QR CODE, người ta sẽ biết được người đã nhận tiền hay chưa? Nếu đã nhận rồi người ta không cần tiến hành lập danh sách để rà soát nữa.
Tiếp nữa, chúng tôi tích hợp toàn bộ những mũi tiêm do lực lượng cảnh sát khu vực tiến hành rà soát ở địa bàn cơ sở đối với công dân sau khi đã được tiêm và đã có giấy xác nhận của cơ quan y tế .
Vừa rồi, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Y tế và Bộ Công an đã thống nhất, và xác định rất rõ, việc tích hợp trên CCCD mang tính lâu dài, bền vững.
Thứ ba, chúng tôi tiếp tục tích hợp những nội dung, ví dụ, trên nền tảng dữ liệu của Bộ Công an sẵn có như đăng ký xe mô tô. Việc tích hợp như vậy, người dân chỉ cần mang một loại giấy tờ đó là CCCD gắn chíp mà không cần mang các giấy tờ khác. Còn đối với cơ quan quản lý nhà nước cũng chỉ cần kiểm tra một loại giấy tờ, do đó, không cần kiểm qua quá nhiều giấy tờ gây phức tạp trong việc đối sánh.
PV: Việc tích hợp các trường thông tin vào thẻ căn cước công dân găn chip mang lại rất nhiều tiện ích cho công dân cũng như các cơ quan quản lý. Vậy Thượng tá có thể chia sẻ những tiện ích ở đây chúng ta đạt được là gì?
Thượng tá Vũ Văn Tấn: Việc tích hợp này đáp ứng được 3 vấn đề. Thứ nhất, đối với cơ quan quản lý nhà nước không phải đầu tư bất cứ công cụ nào để đọc mã QR CODE trên thẻ mà chỉ sử dụng chức năng đọc QR CODE trên App VN-eID.
Cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp hoặc các đơn vị trong quá trình tiến hành kiểm tra những loại thủ tục, giấy tờ của công dân chỉ cần tải App VN-eID trên mạng, sau đó chúng ta sẽ sử dụng chức năng đọc QR CODE trên CCCD, chúng ta sẽ đọc được các thông tin.
Thứ hai, đối với người dân hoàn toàn bảo mật dữ liệu của mình. Tức là, nếu như chúng ta sử dụng các chức năng đọc QR CODE khác, người ta sẽ đọc toàn bộ thông tin của công dân. Như vậy, dẫn đến nhiều nguy cơ người dân bị mất dữ liệu. Nhưng khi chúng ta sử dụng chức năng này trên App VN-eID cũng như hệ thống, ở đây bản chất là hệ thống của Bộ Công an đã xây dựng thì hoàn toàn bảo mật dữ liệu này.
Thứ ba với Nghị quyết 68, sẽ khẳng định ngày nhận tiền, nhận số tiền bao nhiêu còn không hiện lên các trường thông tin cá nhân. Như vậy, nó hoàn toàn được bảo mật đối với công dân.
Hệ thống của Bộ Công an xây dựng hoàn toàn bảo mật dữ liệu
PV: Như Thượng tá vừa nói, CCCD sẽ góp phần giảm tải thủ tục hành chính cho các đơn vị hành chính nhà nước. Nhưng theo quan sát của PV hiện nay tại các cơ quan, này việc quét dữ liệu còn khó khăn?
Thượng tá Vũ Văn Tấn: Điều đó chỉ đúng ở một giai đoạn. Trên nền CCCD được thiết lập ra, giai đoạn 1 được thiết kế ở CCCD này nó là cấu trúc cơ bản trên nền CCCD.
Khi tạo mã QR CODE, Bộ Công an xác định ở giai đoạn đầu để tích hợp các trường thông tin công dân lên đó để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong quá trình giao dịch. Điều đặc biệt, trước đây, mỗi lần làm CCCD, người dân phải đi xác thực lại số CMT cũ. Ngày nay, việc đó đã được tích hợp để người dân không phải đi xác thực nữa, nhưng đó là trên nền tảng gốc. Còn nền tảng hiện nay, khi phát triển các ứng dụng, Bộ Công an tiếp tục tạo lên các môi trường xác thực.
Như vậy, khi công dân sử dụng CCCD trên nền tảng gốc thì đọc mã QR CODE hiện lên thông tin họ tên, số CMT, phục vụ cho giao dịch của công dân trong quá trình tham gia.
Còn nền tảng tích hợp mới, đây là hệ thống độc lập nhằm phát triển, tích hợp trên hệ thống CCCD.
PV: Dữ liệu được chúng ta tích hợp trong các trường thông tin được lưu trữ trên thẻ căn cước công dân sẽ được rà soát và tiến hành xác minh như thế nào để công dân phải kê khai nhiều lần hoặc thông tin không được trung khớp, thưa Thượng tá?
Thượng tá Vũ Văn Tấn: Theo quy định của Chính phủ, công dân chỉ được cung cấp thông tin công dân của mình một lần và khi nó được thực hiện trên dữ liệu dân cư (còn gọi là dữ liệu gốc). Dữ liệu gốc này được đảm bảo, thiết lập trên nền tảng dữ liệu luôn sống, bởi, nó căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an khu vực. Do vậy, hằng ngày thông qua các hoạt động lưu trú nó đã nuôi sống dữ liệu công dân
Mọi hoạt động của công dân đã hoạt động qua chức năng cư trú như thường trú, tạm trú, Do vậy, chúng tôi có thể khẳng định dữ liệu dân cư là dữ liệu gốc, người dân chỉ khai một lần trên nền tảng nghiệp vụ cư trú của lực lượng công an khu vực.
Như vậy, tất cả các thông tin như GPLX, đăng ký mũi tiêm, thẻ bảo hiểm sau này được tích hợp trên thẻ CCCD gắn chíp được thực hiện trên một quy trình, đó là: “ Dữ liệu đó người dân có thể kê khai trên app VN-eID, sau đó được tổ chức tiến hành xác thực vào hệ thống dân cư và căn cước”. Trường hợp khác, trực tiếp công an khu vực tiến hành trên phần mềm để tích hợp những nội dung đó trên nền tảng dân cư và được tích hợp thông qua CCCD.
Do vậy, nếu nói là một quy trình sạch của dữ liệu đó thì nó đã đáp ứng 3 nội dung:
Thứ nhất, nó được sử dụng nội dung gốc dân cư, tàng thư dân cư và CCCD. Thứ hai, được xác thực bởi lực lượng cảnh sát khu vực. Thứ 3, gắn trách nhiệm của đồng chí trưởng công an phường, xã phê duyệt cuối cùng rồi đẩy vào hệ thống.
PV: Như Thượng tá vừa nói tính bảo mật được thực hiện rất tốt, vậy Thượng tá có thể cho biết tính bảo mật này được thực hiện thế nào? Và có một số ý kiến người dân thắc mắc, vì CCCD gắn chíp thì nó có định vị người sử dụng không?
Thượng tá Vũ Văn Tấn: Về hệ thống bảo mật cả 2 hệ thống là dân cư và CCCD được được thực hiện nhiều biện pháp bảo mật. Trong đó phải nói đến điều đặc biệt ở trong chiếc thẻ CCCD này, hoàn toàn được bảo mật của các giải pháp hàng đầu của Ban cơ yếu Chính phủ.
Còn việc sử dụng CCCD có bị định vị không, tôi chỉ nói một điều đơn giản thế này. Bất cứ một cái gì muốn nó sống thì phải cho nó thức ăn. Con Chíp cũng vậy, trên chiếc thẻ CCCD, con chip muốn sống phải cho nó nguồn điện. Do vậy, CCCD không có nguồn điện thì làm sao nó sống mà định vị được. Cũng như việc các bạn sử dụng điện thoại, nếu các bạn sử dụng hết pin và tắt đi rồi thì không bao giờ chúng ta sử dụng được nữa.
CCCD gắn chíp chậm trả là do nhiều yếu tố khách quan
PV: Người dân cũng thắc mắc CCCD mới người mất 3, 4 tháng chưa lấy được. Qua đây, Thượng tá có giải thích thế nào cho người dân?
Thượng tá Vũ Văn Tấn: Thứ nhất giai đoạn vừa rồi do khan hiếm của thị trường chip, tất cả các lĩnh vực liên hoan chip trên thế giới đều biết sự khan hiếm này.
Thứ hai do dịch bệnh COVID diễn ra cho nên việc giao thương cũng hạn chế. Cùng với đó, khi chúng ta cấp thẻ CCCD, trong quá trình thực hiện do việc kê khai của người dân, đáng lẽ là cấp đổi thì trình bày là cấp mới. Do vậy, khi được xác thực, qua kiểm tra hệ thống tàng thư; qua kiểm tra trên hệ thống là cấp đổi chứ không phải cấp mới. Do vậy, quy trình bị chậm lại. Vừa rồi, để giảm thiểu việc này, chúng tôi có nhiều việc làm công khai để người dân biết, nếu có chậm muộn có thể phản ánh trực tiếp vào trang “Dữ liệu dân cư quốc gia” để chúng tôi giải đáp.
PV: Tới đây khi người dân sử dụng duy nhất một thẻ CCCD gắn chíp điện tử sẽ thuận lợi hơn trong việc tiến hành các thủ tục hay giao dịch như thế nào thưa Thượng tá?
Thượng tá Vũ Văn Tấn: Hiện nay việc tích hợp như vậy, đây là giải pháp tiện ích, tối ưu, mang lại cho người dân và cơ quan quản lý nhà nước. Câu hỏi đặt ra ở đây là được triển khai hay chưa?
Có thể nói là tùy từng tích hợp mà chúng ta có thể triển khai được ngay như tích hợp mũi tiêm có thể triển khai được ngay.
Còn các nội dung khác, phải có sự chia sẻ dữ liệu các Bộ. Ví dụ, như tích hợp Bảo hiểm phải có sự chia sẻ dữ liệu của Bảo hiểm, muốn tích hợp GPLX phải có sự chia sẻ Bộ Giao thông vận tải.v.v…thì chúng ta sẽ tích hợp được lên
Thứ hai, muốn được triển khai rộng rãi phải có cơ sở pháp lý, rất nhiều cơ sở pháp lý mà chúng ta cần điều chỉnh. Ví dụ, nhiều văn bản pháp lý của chúng ta là người tham gia giao thông phải có GPLX, giấy đăng ký xe, bảo hiểm xe,… đó là cơ sở pháp lý quy định. Vì vậy, ngày nay khi tích hợp lên đây rồi chúng ta cần điều chỉnh những cơ sở pháp lý thuận lợi nhất cho người dân
PV: Thời gian tới, Trung tâm dữ liệu có giải pháp hay kế hoạch như thế nào để đẩy mạnh hơn ứng dụng, tiện ích vào trong thực tế?
Thượng tá Vũ Văn Tấn: Khi tích hợp được một nội dung sẽ tích hợp nhiều nội dung. Đây cũng là một trong những giải pháp.
Bây giờ, tích hợp được các loại giấy tờ khi Bộ Công an có các nguồn dữ liệu, hoặc khảo sát để cập nhật để đưa vào, tích hợp. Thứ hai, chúng ta có thể tích hợp toàn bộ người phụ thuộc đưa lên chiếc thẻ công dân, ví dụ trẻ dưới 14 tuổi, hay người phụ thuộc.
Thứ ba, chúng tôi đang nghiên cứu các giải pháp là thay chiếc thẻ CCCD cho thẻ ATM để rút tiền,….
Câu hỏi đặt ra, vậy không có chiếc thẻ CCCD tại thời điểm này khi tích hợp các mũi tiêm 1, 2 có tích hợp được không? Bản chất ở đây nó là hệ thống, bởi vậy khi người dân chưa có thẻ CCCD có thể đến công an phường chúng ta đang trả toàn bộ số định danh công dân cho công dân. Trên đó có mẫu, trên mẫu đó có QR CODE và người dân có thể sử dụng giấy tờ này thay cho CCCD trong giai đoạn, chưa làm và cấp thẻ CCCD.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thượng tá./.