Trong giai đoạn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018”, toàn quốc đã thẩm duyệt PCCC đối với 58.504 dự án, công trình; tổ chức nghiệm thu về PCCC cho 29.230 dự án, công trình. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC. Tính đến tháng 7/2018, còn 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.

ly_tiet_hanh_binh_dinh_kvqw.jpg
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định).

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) đặt câu hỏi vì sao cho đến nay đã gần 10 năm thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy, cùng với đó là rất nhiều văn bản dưới luật vẫn còn rất nhiều công trình có nguy cơ nguy hiểm về cháy nổ đã được đưa vào sử dụng nhưng mà chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.

Nữ đại biểu này cho rằng, cần phải làm rõ nguyên nhân vì sao và nguyên nhân này có được từ sự buông lỏng quản lý trên lĩnh vực này là do thủ tục quá rườm rà, hay do chủ doanh nghiệp cố tình chây ỳ, lách luật và liệu rằng hàng nghìn công nhân lao động, người dân đang sinh sống, lao động, học tập ở những công trình, dự án đó có được an toàn hay không?

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương).

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cũng cho rằng, ở hầu hết các báo cáo giám sát, hai hạn chế cố hữu trong việc thực hiện chính sách pháp luật là thể chế và tổ chức thực hiện, giám sát lần này cũng không ngoại lệ, tuy nhiên chúng ta cần phân định rõ nguyên nhân chủ yếu đến từ đâu để có giải pháp phù hợp.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, thực trạng trên xuất phát từ việc thiếu kiên quyết trong xử lý các hành vi vi phạm và nhiều chủ đầu tư cố tình chây ỳ, kéo dài không khắc phục lỗi vi phạm, khác gì sự khinh nhờn luật pháp. “Có hay không sự du di, thỏa hiệp, “đi đêm” giữa chủ đầu tư với tổ chức, cơ quan có thẩm quyền chốt công đoạn, thủ tục trong quy trình thực hiện phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là công tác thẩm duyệt, nghiệm thu, kiểm tra công trình. Nếu có thì đây chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, nó khác gì tội ác, cơ hội được sống và sống an toàn của người dân bị tước đi sau những lần du di, thỏa hiệp”- đại biểu Nhân băn khoăn.

Làm tốt công tác quy hoạch và kiến trúc công trình

Đại biểu Quốc hội đề nghị trong nghị quyết của Quốc hội cần phải làm rõ việc tăng cường kiểm tra, giám sát đối với một số loại hình, địa bàn mà nguy cơ cháy nổ cao, trong đó cần quan tâm nhiều hơn tới hệ thống chung cư. Thống kê sơ bộ cho thấy, cả nước có khoảng 3.000 tòa chung cư, trong đó chủ yếu tập trung ở TP Hà Nội và TP HCM. Cụ thể tại Hà Nội, căn hộ chung cư chiếm đến 87,3% tổng nguồn cung cấp nhà ở. Còn tại TP HCM, căn hộ chung cư chiếm khoảng gần 90% tổng nguồn cung cấp nhà ở. Như vậy, việc phòng chống cháy nổ cho hệ thống chung cư là điều cần phải quan tâm để bảo vệ sự bình an cho người dân.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị cần làm tốt công tác quy hoạch và kiến trúc công trình. Trong quá trình xây dựng các chung cư cao tầng, chủ đầu tư và các cơ quan chức năng cần phải thực hiện nghiêm túc công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Xem đây là yếu tố quyết định các giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy sau này của công trình.

Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy cần chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy. Thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra công tác thường trực, sẵn sàng chiến đấu của các đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở chuyên ngành, địa bàn trọng điểm về cháy, nổ. Đồng thời phát động đợt thi đua đặc biệt trong tháng cao điểm về an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với các chung cư cao tầng.

“Tại Hàn Quốc, từ những năm 90 của thế kỷ trước, trong những khách sạn cao tầng đều được trang bị cuộn thang dây cho 2 khách nghỉ trên một phòng, kèm theo tờ hướng dẫn sử dụng khá cặn kẽ, giúp khách nghỉ đủ kiến thức sử dụng và tự chủ hoàn toàn khi bất trắc xảy ra. Tuy nhiên, tại các chung cư cao tầng, dù là chung cư cao cấp ở nước ta cho đến các khách sạn hiện nay việc này hầu như còn bỏ ngỏ. Điều này cũng đáng suy nghĩ. Vì vậy, để phòng ngừa, nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và hạn chế đến mức nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của mọi người dân.”- đại biểu Thạch Phước Bình cho biết.

Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nêu rõ, trong thời gian tới Bộ tập trung cao cho bổ sung hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, đặc biệt là hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy. Đối với quy mô và chiều cao công trình, Bộ trưởng cho rằng, một số công trình cao tầng trong lĩnh vực xây dựng, hiện nay ở Việt Nam đã đủ sức tự thiết kế và tự thi công công trình đến 100 tấn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.

“Hiện nay cần phải bổ sung các quy định, quy chuẩn liên quan về công trình này, hay là thêm những quy định về các công trình đa năng, hỗn hợp của nhiều chức năng. Các vị đại biểu Quốc hội nói hiện nay cơ bản các phương tiện chữa cháy của chúng ta mới vươn tới độ cao khoảng 20 tầng. Có một vài địa phương tôi được biết đã mua sắm trực thăng chữa cháy nhưng còn rất ít nên quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng cũng cần phải phù hợp với những đặc thù này để có những giải pháp cụ thể trong mức độ hiện nay của đầu tư về phương tiện phòng cháy, chữa cháy”- Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết.

Hiện nay, riêng lĩnh vực xây dựng đã có 8 quy chuẩn và 26 tiêu chuẩn, vì vậy cần phải tổ hợp lại cho dễ tra cứu, gọn, dễ áp dụng; đồng thời cũng đáp ứng được yêu cầu vừa bảo đảm phòng cháy, chữa cháy nhưng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. “Khi rà soát, làm việc nhiều với doanh nghiệp, nhà đầu tư thì cũng có những đòi hỏi phải hạ thấp các tiêu chuẩn này. Quan điểm của chúng tôi là không thể hạ thấp những quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy mà đặt tính mạng, tài sản của con người lên cao nhất”- Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, trong tháng 12/2019, sau khi Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ sẽ ban hành hai quy chuẩn mới, cơ bản nhất để đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, đó là Quy chuẩn 01 về quy hoạch xây dựng; Quy chuẩn 06 về phòng cháy, chữa cháy./.