Với ranh giới trải dài trên 200 km, địa hình hiểm trở, rừng phòng hộ đầu nguồn của tỉnh Bình Thuận- khu vực giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng liên tục bị tàn phá trước sự bất lực của các chủ rừng. Mặc dù tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều biện pháp quản lý và bảo vệ nhưng hiệu quả chưa cao. 

vov_bao_ve_rung_1_hfef.jpg
Lán trại lâm tặc mới dựng trong rừng ngày 15/8

Từ xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, theo chân lực lượng bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy, chúng tôi có dịp tiếp cận một số điểm nóng phá rừng giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng. Mất gần 4 giờ đồng hồ đường rừng, vượt con dốc “Ho Lao” nổi tiếng nguy hiểm và lội qua nhiều con suối, chúng tôi mới tới được tiểu khu 68- nơi xảy ra vụ phá rừng vào tháng 3.

Tại hiện trường, 46 gốc dầu và căm liên bị cưa hạ. Dấu vết để lại cho thấy lâm tặc đã xẻ gỗ thành hộp trước khi vận chuyển đi tiêu thụ. Ở các tiểu khu lân cận như 71 và 79 cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, nhân viên Trạm quản lý và bảo vệ rừng Đại Ninh thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy cho biết: “Hầu như lâm tặc vận chuyển lâm sản chúng khai thác được về hướng Lâm Đồng theo phương thức dùng xe hoán cải độ chế, mỗi lần chở được từ 5 đến 7 khối gỗ. Các loại gỗ bọn lâm tặc thường khai thác đó là căm xe, căm liên, bằng lăng và các loại khác”.

Một gốc dầu bị cưa hạ trong tiểu khu 68

Sáng 15/8, trên đường đi kiểm tra, lực lượng bảo vệ rừng Sông Lũy phát hiện dấu xe vận chuyển gỗ còn rất mới ở tiểu khu 70, có thể lâm tặc vừa chở gỗ vào lúc giữa đêm. Cạnh đó là một lán trại mới dựng bên bờ suối, nhưng không có người. Đến chiều quay lại, lực lượng bảo vệ rừng đối mặt với 3 lâm tặc ở lán trại, nhưng chúng đã kịp tháo chạy, bỏ lại 2 chiếc xe máy “độ chế”. Sau khi lập biên bản, lực lượng bảo vệ rừng phá hủy, đốt lán trại và 2 chiếc xe máy rồi rút nhanh khỏi hiện trường, e ngại lâm tặc có thể huy động đồng bọn đến trả thù ngay giữa rừng. Bởi vì, khi đi tuần tra, các nhân viên bảo vệ rừng Sông Lũy chỉ được trang bị gậy cao su và roi điện, không thể chống chọi với các đối tượng lâm tặc manh động.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Tổ trưởng Tổ cơ động – Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy nói: “Các đương sự có cả súng tự chế, có bom tự chế, có xe chuyên dùng chạy trong rừng, có điều kiện hỗ trợ cho nhau trong quá trình giải phóng lực lượng, giải phóng lâm sản rất nhanh. Cho nên, chúng tôi không đủ khả năng quản lý ngay khu vực giáp ranh”.

Đốt lán trại của lâm tặc

Có thể nói, công tác quản lý và bảo vệ rừng tại vùng giáp ranh gặp rất nhiều khó khăn. Trung bình mỗi nhân viên trong Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy quản lý khoảng 700 ha rừng. Do địa hình đồi núi hiểm trở, mỗi lần muốn đi tuần trên vùng giáp ranh, từ Bình Thuận qua phải mất gần nửa buổi đi bộ. Trong khi đó, lâm tặc từ hướng Lâm Đồng xuống phá rừng lại rất dễ dàng. Vừa qua, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy đã lập 2 chốt quản lý và bảo vệ rừng tại 2 điểm nóng Đỉnh Sanh và Sa Mai, giáp ranh với xã Ninh Loan, huyện Đức Trọng. Nhưng lực lượng chốt giữ quá yếu so với thực lực của các nhóm lâm tặc ở Lâm Đồng.

Ông Phan Văn Minh, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy, Bình Thuận kiến nghị: “Chúng tôi đề nghị xin nâng cấp hai tổ chốt này lên thành trạm và có những ngành cơ quan chức năng phối hợp hỗ trợ để chúng tôi thực hiện công tác bảo vệ rừng. Trong đó phải có kiểm lâm, công an và địa phương của hai bên Đức Trọng – Di Linh và Bắc Bình để chúng tôi thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng hơn”.
Công cụ hỗ trợ chỉ có mỗi gậy cao su và roi điện không đủ đương đầu với lâm tặc dung dữ

Vùng giáp ranh giữa tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng kéo dài đến 200 km. Riêng rừng phòng hộ Sông Lũy thuộc huyện Bắc Bình có địa giới hành chính dài đến 59 km, rộng hơn 23.000 ha. Vùng này lại có nhiều loại gỗ quý với trữ lượng lớn, nên thường xuyên bị các nhóm lâm tặc từ huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng tìm cách khai thác gỗ trái phép. Trong vòng 1 năm qua, đã có hơn 300 m3 gỗ lâm tặc khai thác trái phép bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Nguyên nhân chủ yếu khiến rừng đầu nguồn ở vùng giáp ranh chưa được bảo vệ tốt vẫn là địa bàn rộng, hiểm trở và lực lượng quản lý rừng mỏng, thiếu phương tiện, trang thiết bị./.