Cuối tháng 10-2016, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã có báo cáo về công tác sắp xếp, điều chỉnh luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh trên địa bàn TP Hà Nội gửi TP Hà Nội và Bộ GTVT. Tuy nhiên, điều bất ngờ nhất ở đây chính là, chỉ trong một thời gian ngắn, văn bản cũ chưa kịp triển khai thì văn bản mới đã lại thay đổi, nên vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ các hiệp hội, doanh nghiệp và dư luận. .

Trì hoãn lộ trình do điều chuyển phức tạp?

Trước đó, vào giữa tháng 5/2016, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã lên phương án điều chuyển các tuyến đi/đến từ bến Mỹ Đình đi 4 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai và Đắk Lắk về bến xe Nước Ngầm với tổng số 88 lượt xe/ngày; Thanh Hoá (68 lượt xe/ngày) và theo chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội, việc điều chuyển phải thực hiện trong tháng Mười vừa qua.

Tuy nhiên, sau khi phương án này được công bố để lấy ý kiến của các địa phương liên quan, các tỉnh đã có ý kiến gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị phương án điều chuyển chưa hợp lý, cần có lộ trình để các doanh nghiệp chuyển đổi.

Sau đó, Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp với Tổng cục Đường bộ, Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) nghiên cứu, xem xét phương án điều chuyển và nhận thấy, còn một số bất cập, chưa hợp lý, cần phải điều chỉnh cho đảm bảo công bằng, hài hòa giữa các doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

nn_vov_elnd.jpg
Bến xe Nước Ngầm được xem là bến xe xã hội hóa đầu tiên và hiện đại nhất ở Hà Nội.

Theo đó, tổ công tác gồm Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ, Công an thành phố và Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã rà soát tổng thể luồng tuyến vận tải đi và đến Hà Nội, xây dựng phương án tổng thể, sắp xếp, điều chỉnh các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, đưa ra quy hoạch chi tiết đối với 39.817 chuyến/tháng, trong đó điều chuyền từ Mỹ Đình về Nước Ngầm 15.272 chuyến/tháng, Mỹ Đình về Yên Nghĩa 5.713 chuyến/tháng, Nước Ngầm về Mỹ Đình 1.214 chuyến/tháng, Yên Nghĩa về Mỹ Đình 2.212 chuyến/tháng…

Tuy nhiên, việc sắp xếp, điều chỉnh ngay một lúc 39.817 chuyến/tháng theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải sẽ rất phức tạp, ảnh hưởng tới nhu cầu đi lại người dân, gây xáo trộn trong kinh doanh vận tải.

Do đó, Sở Giao thông Vận tải sẽ thực hiện điều chuyển, sắp xếp lại luồng tuyến theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, điều chỉnh hành trình hoạt động của các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đi qua các điểm, tuyến ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm (dự kiến thực hiện quý 4/2016).

Giai đoạn 2 điều chỉnh hành trình hoạt động của các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đi qua các điểm, tuyến ùn tắc giao thông trong giờ ban ngày (quý 1/2017) và giai đoạn 3 điều chuyển các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh chưa phù hợp theo định hướng quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt (thực hiện từ quý 2-4/2017).

Nên triển khai, tránh bàn lùi

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, lý do Sở GTVT Hà Nội đưa ra là việc điều chuyển luồng tuyến sẽ khiến nhiều doanh nghiệp phá sản. “Theo tôi là không có chuyện doanh nghiệp phá sản khi điều chuyển từ bến xe này sang bến xe khác. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội báo cáo phương án mới là để cố tình kéo dài thời gian giữ xe các tuyến Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắc Lắk ở lại bến Mỹ Đình.”, ông Liên nói.

“Việc bẻ hướng xe các tuyến trên đi Phạm Hùng-Đại Lộ Thăng Long-đường Hồ Chí Minh là trái với quy hoạch luồng tuyến của Bộ Giao thông Vận tải và chủ trương của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Ngoài ra, nếu theo đúng quy hoạch, các xe khách tuyến cố định chạy đường Hồ Chí Minh phải được điều về bến xe Yên Nghĩa chứ không thể được giữ lại bến Mỹ Đình,” ông Liên nhìn nhận.

Ông Liên phân tích, trước đó do quá tải Hà Nội đã phải điều chuyển một số nhà xe Nghệ An từ bến xe Giáp Bát về bến xe Nước Ngầm. Thời gian đầu các doanh nghiệp không đồng tình và phản đối với lý do nếu chuyển về Nước ngầm thì xe tuyến Nghệ An sẽ không có khách và có nguy cơ phá sản.

Thế nhưng, thực tế lại không phải như vậy, từ khi điều chuyển đến nay, các nhà xe vẫn đông khách, chưa thấy nhà xe nào phá sản phải hủy bỏ luồng tuyến mà ngược lại các nhà xe lại tăng lên. Việc điều chuyển tuyến xe khách từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm các doanh nghiệp được hưởng lợi chứ không mất khách.

Bến xe Mỹ Đình luôn trong tình trạng quá tải.

Cũng theo ông Liên, việc điều chuyển tuyến xe vận tải hành khách Nghệ An, Thanh Hóa từ bến xe Mỹ Đình về Nước Ngầm không những tránh ùn tắc giao thông mà còn đảm bảo sự cạnh tranh công bằng cho nhiều doanh nghiệp chứ không phải một nhóm doanh nghiệp ở bến xe Mỹ Đình.

Điều chuyển tuyến xe khách từ bến xe Mỹ Đình về Nước Ngầm xuất phát từ an toàn giao thông đô thị, điều tiết phương tiện phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân.

Do vậy, phương án điều chuyển xe này là làm đúng Luật, Bộ Giao thông Vận tải đã có ý kiến đồng thuận, các Hiệp hội Vận tải Hà Nội và Việt Nam cũng đồng ý với phương án này.

Còn ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đột ngột thay đổi kế hoạch trước đó, điều này làm cho thời gian thực hiện kéo dài, không đúng với quy hoạch tuyến vận tải khách liên tỉnh và sẽ không phát huy được tác dụng của việc sắp xếp lại luồng tuyến.

“Nếu Hà Nội không triển khai theo đúng phương án đã xây dựng sẽ làm mất lòng tin với các đơn vị vận tải, bến xe và hành khách. Đặc biệt là đi ngược với chủ trương của lãnh đạo thủ đô,” ông Thanh khẳng định.

Theo ông Thanh việc TP. Hà Nội cần sớm triển khai là việc điều chuyển một số xe tuyến xe khách từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm như trong kế hoạch, tránh tình trạng bàn lùi.

“Việc di chuyển một số tuyến xe khách phía Nam từ bến xe Mỹ Đình sang bến xe Nước Ngầm sẽ tạo điều kiện để bến xe Mỹ Đình tiếp nhận được các phương tiện của các tỉnh phía Bắc là tốt cho cả doanh nghiệp và thành phố. Trong đó doanh nghiệp đươc lợi chứ không mất”, ông Thanh khẳng định.

Bộ GTVT chờ Hà Nội chốt phương án

Là đơn vị vận tải có xe hoạt động tại bến Mỹ Đình từ ngày bến mới thành lập (năm 2004), ông Nguyễn Đại Thắng, điều hành Công ty Cổ phần Vận tải Thanh Xuân cho rằng, mỗi ngày Công ty có 7 “nốt” xe chạy Mỹ Đình-Vinh (Nghệ An) với lượng khách ổn định.

“Khi có quy hoạch, doanh nghiệp vận tải phải chấp hành điều chỉnh luồng tuyến từ bến Mỹ Đình về Nước Ngầm mặc dù sẽ xáo trộn hoạt động kinh doanh, tuy nhiên sẽ không lớn. Thế nhưng, nếu điều chuyển toàn bộ các tuyến xe này về bến Nước Ngầm thì người dân có nhu cầu sẽ đi bằng phương tiện gì về bến này để bắt xe khách?,” ông Thắng đặt ra câu hỏi.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc bến xe Mỹ Đình cho rằng, công suất của bến Mỹ Đình khoảng 1.992 lượt xe/ngày, hiện cũng mới chỉ có hơn 1.400 lượt xe/ngày trong đó, lượt xe đi về các tỉnh phía Nam là 300 lượt/ngày. Việc ùn tắc tại nút giao Thanh Xuân (Khuất Duy Tuyến) là do hoạt động mạnh của xe tải lớn, xe container lên và xuống đường vành đai 3 trên cao, không phải do xe khách bởi tỷ lệ xe khách chạy rất ít.

Theo ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội không còn tuyến vận tải khách liên tỉnh nào đi xuyên tâm đồng thời đang có sự nhầm lẫn về khái niệm xuyên tâm.

Lý giải rõ hơn, ông Quang cho rằng, đường vành đai không thể gọi là đường xuyên tâm, nếu xe khách không đi theo các đường vành đai để đi vào các bến xe hoặc đi ra các tỉnh, thành phố thì đi bằng đường nào?.

Đối với việc cơ cấu lại luồng tuyến giữa các bến xe, đại diện các chuyên gia giao thông cho rằng, Hà Nội phải tính đến việc tăng tần suất chuyến/lượt của các tuyến xe buýt kết nối giữa các bến xe để đảm bảo nhu cầu bắt xe về các tỉnh của hành khách.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải vừa có ý kiến gửi Sở Giao thông Vận tải trong đó nêu rõ, đối với nội dung phương án sắp xếp, điều chỉnh các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ôtô trên địa bàn thành phố Hà Nội thì các cơ quan tham mưu thuộc Bộ như Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Vụ Vận tải chưa được phía Sở Giao thông Vận tải lấy ý kiến về nội dung này.

Mặt khác, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu, tổng hợp ý kiến các Sở Giao thông Vận tải liên quan và các Hiệp hội để có đề xuất phù hợp với tình hình tổ chức giao thông của địa phương đồng thời Hà Nội có ý kiến chính thức đối với việc tổ chức giao thông, vận tải và điều chuyển các tuyến do phía Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ nghiên cứu phương án sắp xếp, điều chỉnh các tuyến vận tải khách liên tỉnh trên địa bàn thành phố Hà Nội của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đề xuất Bộ xem xét giải quyết theo quy định.

Về phương án thay đổi việc sắp xếp luồng tuyến, Bộ GTVT cho biết, đến thời điểm này, Bộ GTVT chưa nhận được ý kiến của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về vấn đề nêu trên./.