Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, năm 2015, khu vực này ghi nhận hơn 23.300 ca mắc sốt xuất huyết, 11 trường hợp đã tử vong.

Các địa phương miền Trung đang nỗ lực triển khai các biện pháp khống chế dịch bệnh lây lan, hạn chế tử vong do sốt xuất huyết. Tuy nhiên, hiện dịch bệnh này vẫn tiếp tục tăng cao bất thường.

benh_nhan_lsud.jpg
Số bệnh nhân sốt xuất huyết tăng cao bất thường tại miền Trung.

Từ tháng 9/2015 đến nay, dịch bệnh sốt xuất huyết  tăng mạnh ở các tỉnh khu vực miền Trung và diễn biến phức tạp hơn mọi năm. Nhiều nơi, tháng sau số ca bệnh tăng gấp đôi tháng trước, tập trung vào các tháng 11,12. 

Đến thời điểm này, tại các địa phương miền Trung đã ghi nhận  hơn 23.350 ca mắc sốt xuất huyết, 11 ca tử vong, tập trung từ thành phố Đà Nẵng đến tỉnh Bình Thuận. Nếu tính số ca mắc trên 100.000 dân thì tỉnh Khánh Hòa là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất ở miền Trung với hơn 9.400 ca; tiếp đến là thành phố Đà Nẵng, hơn 2.400 ca; Phú Yên hơn 1.800 ca.

Dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp không chỉ số ca bệnh tăng cao bất thường, mà  chủng dengue 2 gây bệnh nặng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao cũng tăng gấp 7 lần so với năm 2014.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam vào điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng sốt cao, tiểu cầu giảm, nôn mửa, đi cầu ra máu.

Chị Hạnh cho hay, nơi chị ở có nhiều người mắc sốt xuất huyết thể bệnh nặng, có gia đình có tới 2- 3 người phải vào nằm viện.

Ông Viên Quang Mai, Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang cho biết, năm 2014 số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn các tỉnh miền Trung rất thấp, khoảng 3.200 ca, 1 trường hợp tử vong.

Năm 2015, số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao; trường hợp bệnh nặng và tử vong rơi nhiều vào trẻ em. Trong  số 11 ca tử vong ở miền Trung thì 8 ca trẻ em, 3 ca người lớn, trong đó 1 ca mới 4 tháng tuổi.

Dịch bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh và diễn biến bất thường gây ra tình trạng quá tải cho các bệnh viện. Bệnh viện đa khoa khu vực Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa phải dựng lán trại, kê thêm giường mà bệnh nhân vẫn phải nằm chung 2, 3 người một giường.

Nhiều người ngại cảnh chen chúc tại bệnh viện nên chỉ đến truyền dịch và nhận thuốc vào buổi sáng rồi về nhà điều trị. Chính những người này lây bệnh cho người nhà và những người xung quanh.

Ông Viên Quang Mai cho rằng, nguyên nhân dịch bệnh sốt xuất huyết cao ở khu vực miền Trung là do thời tiết biến đổi bất thường: “Năm nay hầu như không có một cơn bão nào vào khu vực miền Trung. Khí hậu rất thích hợp cho muỗi phát triển. 

Việc chúng ta chủ động phun hóa chất và nguồn kinh phí chống dịch nói chung chậm hơn so với các năm trước. Thậm chí có những tỉnh đến hết tháng 12 mới bắt đầu có hóa chất và kinh phí xử lý dịch trong khi dịch tăng rất cao trong những tháng 10,11,12 vừa qua”.

Nhiều người cho rằng, nguyên nhân dịch bệnh sốt xuất huyết tăng đột biến và lây lan nhanh như hiện nay còn do con muỗi đã  kháng thuốc, sau khi phun thuốc tỷ lệ muỗi chết thấp. Vì thế, cần phải thay đổi thuốc diệt muỗi hoặc tăng liều lượng.

Về vấn đề này, ông Viên Quang Mai cho biết thêm: “Nơi nào dùng 1 loại thuốc nhiều trong 2,3 năm thì sau đó sẽ xuất hiện hiện tượng kháng thuốc. Do đó hiện tượng kháng thuốc thường xuyên có chứ không phải là nó đột biến. Và năm nay chúng tôi có làm những thử nghiệm sinh học, độ kháng của muỗi thì cũng thấy tình trạng như mọi năm chứ không phải  hoàn toàn do tình trạng kháng thuốc”.

Dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng, ngoài yếu tố thời tiết biến đổi bất thường, muỗi kháng thuốc còn có nguyên nhân thiếu sự phối hợp trong việc xử lý phòng chống dịch bệnh tại các địa phương và sự lơ là của người dân.

Bệnh viện quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép 2,3 người 1 giường.

Thạc sỹ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Đà Nẵng cho biết, thời gian qua mặc dù ngành cũng đã phối hợp với các ban, ngành đoàn thể và chính quyền các địa phương nỗ lực triển khai nhiều biện pháp từ giám sát đến xử lý dịch bệnh nhưng bệnh sốt xuất huyết vẫn tăng cao, trung bình mỗi tuần thành phố này ghi nhận khoảng 200 trường hợp mắc sốt xuất huyết.

“Ngoài những nguyên nhân khách quan như biến đổi khí hậu thì còn có những nguyên  nhân chủ quan. Đó là nhận thức của người dân phải chuyển thành hành động cụ thể trong việc diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi tại nơi  mình sống. 

Việc này chỉ có cộng đồng, chỉ có bản thân gia đình mình mới thực hiện được chứ ngành y tế và ban ngành đoàn thể không thể làm được. Bên cạnh đó phải phối hợp các biện pháp xử lý hoá chất, dọn vệ sinh diệt bọ gậy”, Thạc sỹ Tôn Thất Thạnh nói.

Thời tiết bất thường là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát sinh, phát triển. Nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết và lây lan nhanh vẫn tiềm ẩn tại nhiều địa phương miền Trung, nếu như mỗi người dân không tự nâng cao ý thức chủ động phòng tránh dịch bệnh cho bản thân và gia đình mình./.