Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, tại huyện Sóc Sơn có hơn 4.000 ha rừng phòng hộ, trong đó huyện quản lý hơn 2.000 ha, Ban Quản lý rừng (thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn) quản lý 2.000 ha.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho rằng, những sai phạm ở thôn Lâm Trường (xã Minh Phú) tập trung chủ yếu trên diện tích đất rừng thuộc trách nhiệm quản lý của Trung tâm phát triển Lâm nghiệp, Ban quản lý rừng.

rung_soc_son_mwmx.jpg
Tổ hợp công trình khu du lịch sinh thái được xây dựng trên đất rừng phòng hộ ở xã Minh Phú (ảnh: VTCNews)
Tuy nhiên, trung tâm này mới thành lập từ năm 2014, trong khi vi phạm của 18 hộ trên đất rừng xảy ra là từ những năm trước. Theo ông Chu Phú Mỹ, thực trạng người dân đến trước, quy hoạch rừng có sau là một trong những căn nguyên chính của sai phạm này.

“Thực ra dân ở trước rừng có sau, tức là dân đến khai lập kinh tế mới, làm nhà đất ở đấy xong quy hoạch rừng thì chụp mũ vào đấy thành ra nằm trong quy hoạch rừng. Nhưng những trường hợp cấp sổ đỏ vào đất rừng là sai. Đất lâm nghiệp thì không được xây dựng nhà là nguyên tắc. Những hộ nào nếu bây giờ có phát hiện tiếp, Ban quản lý rừng phải lập hồ sơ vi phạm. Trước kia lâm trường ấy, ủy ban xã đã cấp giấy chứng nhận sổ đỏ vào trong đó nên khó khăn trong công tác cưỡng chế”, ông Phú Mỹ nhấn mạnh.

Từ thực tế hoạt động giám sát, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, các vi phạm liên quan đến sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm trường luon được Hội đồng nhân dân giám sát. Riêng tại Sóc Sơn ngay từ năm 2006, Ban Pháp chế đã giám sát và có kiến nghị thanh tra. Theo đó đã cách chức hơn 10 cán bộ cấp xã của 2 xã có vi phạm là Minh Trí, Minh Phú và cán bộ cấp phòng của huyện Sóc Sơn. Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cũng khẳng định, việc thực hiện khắc phục các sai phạm chưa quyết liệt, đến nơi đến chốn càng làm vụ việc phức tạp kéo dài.

“Quá trình tổ chức thực hiện khắc phục các quyết định thanh tra có chậm và tiếp tục diễn biến phức tạp. Thành phố đang chỉ đạo thanh tra và sẽ làm đồng thời cả việc xem các sai phạm mới với cả việc khắc phục các sai phạm cũ và xem xét trách nhiệm. Cái này chúng tôi đang chờ kết luận thanh tra của thành phố”, ông Hoài Nam nói.

Ông Phạm Xuân Phương, Bí thư huyện ủy Sóc Sơn cho biết, thực tế ở xã Minh Trí được xác định có 27 công trình vi phạm, trong đó có 22 công trình nằm trong đất rừng, 5 công trình còn lại nằm ở bên ngoài. Quá trình nghiên cứu hồ sơ cho thấy 22 công trình chủ yếu nằm trong đất khai hoang của thôn Minh Tân. Diện tích đó có được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, trong đó có 400 mét đất được xây dựng nhà và 200 m đất trồng cây ăn quả. Muốn xử lý được các công trình này thì cần phải có sự phân định rõ ràng về mặt pháp lý.

“Quan điểm của tôi là phải xử lý nghiêm, chứ mình không nương tay với trường hợp nào cả, nhưng phải chờ kết luận chính thức của đoàn thanh tra. Chắc chắn khi có kết luận đầy đủ của thành tra thì huyện Sóc Sơn sẽ tiến hành xử lý theo quy định, kể cả những trường hợp đã nghỉ hưu mà vi phạm cũng vẫn bị xử lý theo quy định. Tuy nhiên, phải làm như thế nào để ngay cả người bị xử lý cũng phải tâm phục khẩu phục”, ông Phạm Xuân Phương nói.

Trước những sai phạm về đất đai, trật tự xây dựng tại rừng phòng hộ Sóc Sơn, người dân địa phương mong muốn thành phố Hà Nội quyết liệt trong xử lý vụ việc, tránh tình trạng “đủng đỉnh kéo dài” rồi dơ cao đánh khẽ như gần chục năm nay. Ông Dương Văn Chuốt, người dân xã Minh Trí cho biết: “Từ khóa ông Dương Văn Nhuận, Chủ tịch UBND xã Minh Trí để do dự phá rất nhiều rừng phòng hộ Đồng Đò, Minh Trí, Sóc Sơn. Hiện giờ ký rất nhiều sổ đỏ trong đó,tôi đề nghị dứt điểm không còn tình trạng này nữa. Vấn đề đất thuộc diện 64, nếu hộ nào cố tình làm nhà thì đề nghị Điện lực cho cắt điện đi. Đất khai hoang vỡ hóa không phải đóng thuế, đến năm thứ 4 thì đóng thuế, không phải khai hoang vỡ hóa được làm nhà, tôi đề nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra”.

Trong buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố mới đây, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhận trách nhiệm về sai phạm tại rừng phòng hộ Sóc Sơn. Đồng thời, khẳng định kết luận thanh tra về những sai phạm này sẽ được công bố trước Tết, nêu rõ trách nhiệm và công khai đến người dân.

Quyết tâm của người đứng đầu chính quyền thành phố Hà Nội liệu có “dứt điểm được vụ việc rừng phòng hộ Sóc Sơn” khi những sai phạm này đã kéo dài từ năm này qua năm khác?./.