38 năm trôi qua, những chiến công hiển hách góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, trong đó có cả những chiến sĩ nhận nhiệm vụ tiếp nhận vũ khí vũ khí tại cụm bến Trường Long Hòa. Đây là một trong các cụm bến của những con tàu không số anh hùng năm xưa, nơi đoàn tàu không số đã dệt nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển. 

truong-long-hoa.jpg

Về thăm cụm bến của những con tàu Không số tại xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh  trong những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi được nghe lại câu chuyện của những anh hùng, câu chuyện về những sự hy sinh thầm lặng cho hòa bình hôm nay. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu  nước- những cụm, bến này đã tiếp nhận 16 chuyến tàu với gần 700 tấn vũ khí tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Trong đó,  có nhiều chiến sĩ cách mạng đã mãi mãi ra đi ngay trên vùng biển quê hương. Dẫu muôn vàn hiểm nguy, gian khó, người dân vẫn bám đất, một tấc không đi một ly không rời với  tinh thần chiến đấu vẫn rực cháy trong tim từng chiến sĩ.

Ông Phan Văn Sàng, nguyên Bí thư chi đoàn ban quân y tỉnh Trà Vinh kể lại chuyến tàu vận chuyển vũ khí đầu tiên cập bến tại Trường Long Hòa – Trà Vinh: “Lúc chiếc tàu đã lộ ở ngoài khơi, địch đã phát hiện nên các đồng chí chạy thẳng vô  bờ. Ý đồ của địch là muốn bắt, chứ chúng không bắn hạ vì địch biết lực lượng trên tàu của ta không bằng chúng. Chạy tới Vàm láng nước ta cho hạ tàu chìm xuống đó”.

Nửa thế kỷ đi qua, nhiều  người đi làm nhiệm vụ trên tàu không số ở Trà Vinh đã mất, nhưng câu chuyện kể về những chuyến tàu huyền thoại ấy vẫn mãi được lưu truyền. Ông Nguyễn Văn Chi (thành viên đội 22, đoàn 962), là đơn vị có nhiệm vụ tiếp nhận vũ khí tại tỉnh Trà Vinh từ năm 1961 đến năm 1968 còn nhớ như in những ngày chuyển vũ khí từ con tàu huyền thoại về nơi cất giấu.

Ông Chi kể: “Chuyến thứ 2 chúng tôi tấp ở dưới Hồ Tàu. Tôi vận động dân mang đáy xuống đây hết. Khu trục của địch cũng quần quần ở trên nhưng không phát hiện được. Nhà kho phải khô phải được trên đất, mà trên đất xìn, đất lầy nên ta phải làm dàn, phải ngụy trang bằng lá, bốn năm ngày phải thay một lần”.

Từ trong chiếc nôi của cách mạng, mảnh đất Trường Long Hòa đã ghi nhận những chiến công, ghi nhận tinh thần kháng chiến bất khuất của những anh hùng, không chỉ là những chiến sĩ trên mặt trận mà đó còn là những người mẹ, người chị làm công tác nuôi quân. Đặt biệt là những năm sắp giải phóng miền Nam.

Ông Nguyễn Hồng Hải, bí danh “5 Triều”, trưởng ban giao liên xã Trường Long Hòa cho biết: “Lúc đó toàn bộ già trẻ đều ào ào lên đường đi đánh giặt. Nam nữ gì cũng đi, ì ì xuống Ủy ban xã rồi mới đưa đi các huyện các Tiểu đoàn. Số nào sức khỏe yếu ở lại xã, mạnh đưa vô Tiểu đoàn”.

Lịch sử hào hùng của mảnh đất Trường Long Hòa là nền tảng cho thế hệ trẻ, người dân nơi đây phát huy truyền thống cách mạng của cha ông. Trải qua 38 năm giải phóng thống nhất đất nước, Đảng bộ, quân và dân xã Trường Long Hòa tiếp tục đóng góp sức người, sức của để cùng Nhà nước xây dựng quê hương kháng chiến ngày càng phát triển, giàu đẹp. Qua đó, cách đây 3 năm xã Trường Long Hòa được đón nhận danh hiệu xã văn hóa; trong 5 năm liền tăng trưởng kinh tế luôn đạt trên 14%, thu nhập bình quân đầu người luôn đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Riêng ấp Cồn Tàu – là nơi tiếp nhận vũ khí nhiều nhất từ đoàn tàu Không số tại bến Trà Vinh năm xưa, đã hai lần được biểu dương là ấp Văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh.  

Quả thật, những người đi làm nhiệm vụ trên tàu không số như những cảm tử quân. Có những cuộc chia tay là mãi mãi, bởi giữa chiến trường tên bay đạn lạc hoặc bị rơi vào tay địch thì sự sống, cái chết khó mà biết được. Tinh thần “không sợ chết mà chỉ sợ không hoàn thành nhiệm vụ” đã giúp những chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn… Khi được nghe lại những câu chuyện làm nên lịch sử, càng yêu quý hơn mảnh đất đã sản sinh ra những người con bất khuất làm rạng danh những con tàu không số huyền thoại./.