Mấy hôm nay, khoảng 8h tối bà Bùi Thị Phước Thảo (60 tuổi) ở phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng mới về tới nhà. Đôi chân bà chậm chạp đẩy chiếc xe chở đồ phế liệu quanh các con phố, ngõ hẻm để nhặt nhạnh những thứ gì có thể bán được. Đi bộ dưới trời nóng bức, bà Thảo nhiều lúc hoa mắt, xây xẩm mặt mày.
Bà Thảo đi nhặt phế liệu gần 30 năm nay, mang lại khoản thu nhập chính cho gia đình bà. Thế nhưng, dịch ập đến, các nhà hàng, quán xá đóng cửa cũng chả còn phế liệu cho bà nhặt. Căn nhà gia đình bà vọn vẹn 30m2 mà có tới 9 người cùng ở.
Bốn đứa cháu nhỏ cộng với 4 người con của bà đều là nhân viên khách sạn đang thất nghiệp ở nhà, khiến căn nhà đã chật chội lại thêm ngột ngạt. Một mình bà phải xoay xuở lo cho cả gia đình. Bà Thảo nói, dạo này nhiều người cũng đi nhặt phế liệu nên phải đi sớm về muộn, nếu chậm chân là không còn gì để nhặt.
“Mỗi ngày chỉ được mấy chục ngàn. Có ngày còn không có nữa. Như ngày hôm kia tôi đi về tay không. Giờ họ đổ đi lượm phế liệu cũng đông vì thất nghiệp nên đi lượm nhiều. Chi tiêu trong gia đình thì chỉ mình tôi lo. Chứ mấy đứa con thất nghiệp cả, không có lương để phụ giúp được”, bà Thảo buồn bã.
Khó khăn nhất trong những ngày dịch bùng phát phải kể đến những người bán vé số dạo. Họ đang chật vật kiếm từng đồng tiền lẻ lo bữa ăn qua ngày.
Hàng ngày, sau bữa cơm trưa, bà Nguyễn Thị Loan (70 tuổi) ở phường Thuận Phước, quận Hải Châu bắt đầu hành trình mưu sinh của mình. Nơi bà Loan thường lui tới là các quán cà phê, có nhiều khách mua vé số.
Trước đây, mỗi ngày bà Loan bán hơn 200 tờ vé số nhưng bây giờ sau nhiều giờ cuốc bộ vài chục cây số cũng chỉ bán được hơn 60 tờ. Giữa trưa hè miền Trung nhiệt độ ngoài trời có lúc lên trên 40 độ C nhưng vì cuộc sống hàng ngày, bà Loan mặc cho nắng nóng như thiêu như đốt, dạo bán từng tờ vé số mong đủ bữa cơm đạm bạc.
“Trước khi có dịch đi cũng kiếm được ngày ít đồng, mà từ khi có dịch tới giờ kiếm không được bao nhiêu đồng. Tôi càng ngày càng lớn tuổi rồi, cũng yếu, chân giờ cũng nhức mỏi ghê lắm mà cũng phải ráng đi”, bà Loan mệt mỏi nói.
Phố phường những ngày dịch dã còn rất nhiều những mảnh đời lam lũ giống như bà Thảo, bà Loan. Với họ, bây giờ kiếm được đồng nào hay đồng ấy và quan trọng là giữ cho mình được mạnh khỏe. Trước nhiều khó khăn của hàng ngàn lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng đang trình UBND thành phố về chính sách hỗ trợ người lao động, dự kiến khoản hỗ trợ này lên tới 100 tỷ đồng.
Chia sẻ cùng những khó khăn của người dân, nhất là những lao động nghèo, mất việc làm do đại dịch, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng đề nghị chính quyền và các ngành chức năng nhanh chóng hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn hiện nay.
“Về vấn đề hỗ trợ người dân, tôi đề nghị Sở Lao động-Thương binh và Xã hội có tham mưu, triển khai sớm việc hỗ trợ người lao động sớm, khẩn trương theo đúng tinh thần đối tượng nào rõ chúng ta làm trước và khi làm thì phải dễ thực hiện”, ông Quảng nêu rõ.
Gần 2 năm ứng phó với dịch Covid-19, hàng ngàn lao động nghèo ở thành phố Đà Nẵng đã và đang hứng chịu nhiều nhọc nhằn, vất vả trên con đường mưu sinh. Ai cũng mong dịch bệnh Covid-19 nhanh chóng được đẩy lùi, cuộc sống của người dân sớm trở lại yên bình, ổn định./.