Các chuyên gia cho rằng, để mở cửa trở lại các dịch vụ, hoạt động kinh tế, thì phải sớm khôi phục lại các hoạt động vận tải, miễn dịch cộng đồng và thống nhất phương án để người dân được đi ra đường bình thường.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải đường bộ đang tỏ ra không hào hứng với kế hoạch đi lại “bình thường mới” do lo ngại địa phương “dựng rào” hay có sự “vênh nhau” về quy định đi lại giữa các tỉnh, thành.
Mỗi địa phương “đẻ” ra các quy định riêng
Bộ GTVT đã xây dựng dự thảo kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách (lần 2) và đang lấy ý kiến các Bộ, ngành địa phương trong đó đáng lưu ý đã bỏ đi quy định hành khách không phải tiêm vaccine, không phải có giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính mà chỉ tuân thủ các quy định phòng dịch khi lưu thông.
Lái và phụ xe, phi công và phi hành đoàn, lái tàu… phải tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19 và có giấy xét nghiệm COVID-19 trong vòng 72 giờ...
Tại văn bản góp ý, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng trường hợp cho chạy lại các tuyến vận tải khách liên tỉnh, các địa phương phải thống nhất được với nhau. Tuy nhiên, việc thống nhất được hay không phải do UBND cấp tỉnh quyết định, quá trình này có thể đòi hỏi rất nhiều thủ tục, thời gian.
Theo ông Đỗ Anh Bằng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, với vận tải hàng hóa suốt thời gian dài vừa qua, dù xe đã cấp mã QR (luồng xanh), Chính phủ, Bộ GTVT cũng nhiều lần yêu cầu địa phương không được “đẻ ra” các quy định riêng gây khó khăn cho vận tải hàng hóa, đứt gãy chuỗi sản xuất. Tuy nhiên, rất nhiều tỉnh, thành vẫn có quy định riêng để phòng, chống dịch.
Đơn cử như Thái Nguyên vừa ban hành văn bản yêu cầu người về từ "vùng xanh" hoặc các địa phương, khu vực đã qua 14 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR trong vòng 72 giờ trước khi vào tỉnh. Trường hợp không có giấy xét nghiệm trên phải thực hiện cách ly tại nhà 3 ngày và lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 2 lần bằng phương pháp PCR, tự trả phí.
Hay, các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Kạn, Hải Dương…cũng có văn bản yêu cầu tất cả những người từ địa phương khác vào tỉnh này đều phải có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp PCR, thậm chí phải cách ly tại nhà 7-14 ngày...
Mới đây nhất, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị xem xét, chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam dừng các chuyến bay thương mại nội địa đến sân bay quốc tế Nội Bài, dừng vận tải hành khách bằng đường sắt đến Hà Nội.
“Với nhiều tuyến vận tải khách liên tỉnh, địa phương này cho đi, nhưng tỉnh khác không cho đến. Hà Nội cho chạy, nhưng các tỉnh không tiếp nhận, hoặc không cho đi qua, liệu Bộ GTVT có can thiệp được hay không, chế tài nào để đảm bảo vận tải thông suốt”-ông Bằng nêu ý kiến.
Cần sự đồng nhất giữa Trung ương với địa phương
Nhiều doanh nghiệp vận tải đường bộ lại tỏ ra không hào hứng với kế hoạch đi lại bình thường mới do lo ngại các địa phương lại có quy định riêng, khác với kế hoạch đưa ra nên khi áp dụng chắc chắn doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Thanh Thắng (Nam Định) cho biết, để mở cửa vận tải xe khách, quan trọng nhất là phải có tiếng nói chung, thông suốt từ phía Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương thì các văn bản đưa ra mới có giá trị về mặt quy phạm pháp luật để từ đó đơn vị vận tải mới có thể mở hoạt động trở lại.
“Bộ GTVT muốn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải hoạt động trở lại sau thời gian dài bị “đóng băng” vì dịch nhưng địa phương đưa ra các quy định với quan điểm công tác phòng dịch phải thực hiện như thế mới đảm bảo. Hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải địa phương phải chấp hành đúng theo quy định nơi sở tại đưa ra về chỉ đạo công tác phòng dịch” ông Thắng phân tích.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, trong bối cảnh Hà Nội giãn cách, tạm dừng vận tải hành khách 2 tháng đã làm cho các doanh nghiệp vận tải sụt giảm 100% doanh thu. Khi người dân đã được tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 thì cần sớm đưa vận tải hành khách hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, việc mở lại vận tải hành khách công cộng, liên tỉnh thì các doanh nghiệp cần phải đáp ứng đầy đủ các quy định phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế và các địa phương.
“Đặc biệt, các Sở GTVT cần thống nhất về cách làm để các doanh nghiệp vận tải hoạt động”, ông Liên đề nghị.
Còn theo ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt), trước tiên hoạt động vận tải chỉ nên mở lại xe buýt nội đô; sau đó đến taxi, Grab và xe khách nội tỉnh. Riêng xe khách liên tỉnh tùy thuộc vào Sở GTVT đi/đến làm việc với nhau nếu đảm bảo tiêu chí dịch an toàn sẽ mở với tần suất dần dần.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, hiện Bộ Y tế đã có văn bản góp ý dự thảo kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách tại các địa phương nới lỏng biện pháp chống dịch COVID-19.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết: "Trong bối cảnh các địa phương đang chuẩn bị kịch bản nới lỏng giãn cách và các quy định phòng chống dịch, Bộ GTVT đã giao các cơ quan trực thuộc xây dựng kịch bản, phương án tổ chức giao thông, tổ chức vận tải trên cả 5 lĩnh vực GTVT".
Thứ trưởng Thọ cho hay, phương án tổ chức giao thông sẽ lấy ý kiến của các Bộ, ngành và các địa phương. Việc này để hướng dẫn triển khai thực hiện trong tình hình mới với tinh thần khẩn trương, nghiên cứu kỹ lưỡng mọi mặt, đánh giá kỹ mọi tác động.
“Sau khi thống nhất, Bộ GTVT đề nghị các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai theo nguyên tắc chung, không gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch", ông Thọ nói.
Theo Thứ trưởng Thọ, các Sở GTVT địa phương cần nắm bắt tình hình, nhu cầu địa phương để góp ý vào kế hoạch vận tải chung của Bộ GTVT sau khi nới lỏng giãn cách. Trong đó, chú trọng xây dựng phương án tổ chức giao thông kết nối với các ga, bến cảng, bến xe và cảng hàng không, tổ chức giao thông đối với các phương tiện cá nhân./.