Theo báo cáo của các công ty nhập khẩu vaccine, tình hình cung ứng vaccine "5 trong 1" và "6 trong 1" năm nay rất khó khăn, không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong khi đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định: Vaccine thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng luôn đáp ứng đủ nhu cầu, đảm bảo, an toàn hiệu quả và miễn phí.

vaccine_2_tr_shol.jpg
Trẻ em cần được tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch
Theo nhiều đơn vị nhập khẩu vaccine, khoảng 2 năm gần đây, nhu cầu tiêm vaccine dịch vụ tăng từ 3 đến 4 lần, chủ yếu là vaccine 5 trong 1 và 6 trong 1. Hiện Việt Nam đang nhập vaccine 5 trong 1 Pentaxim của Pháp, phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib và nhập vaccine 6 trong 1 Infarix Hexa của Bỉ phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và Hib.

Mặc dù hàng năm, các công ty nhập khẩu và phân phối vaccine của nước ta đều có kế hoạch dự trù vaccine nhưng các nhà sản xuất, phân phối nước ngoài không đáp ứng đủ. Bà Đặng Hồng Thúy, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn phát triển đầu tư và thương mại Hồng Thúy, một trong những đơn vị nhập khẩu và cung ứng vaccine cho biết, lần nhập vaccine 5 trong 1 gần đây nhất của công ty là tháng 12/2014. Theo kế hoạch trong tháng này công ty nhập về 20.000 liều nữa nhưng nhà sản xuất vừa báo lại là không có hàng, sớm nhất cũng phải đến tháng 5 tới mới có khoảng 20.000 liều vaccine 5 trong 1; còn vaccine 6 trong 1 có thể phải chờ 2 năm nữa.

Trong khi đó, ông Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty vaccine và sinh phẩm số 1 cho biết: 2 loại vaccine vừa nêu đang thiếu, không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn cầu. “Nguồn cung vaccine 5 trong 1 và 6 trong 1 trên thế giới đều hạn chế mà nhu cầu của thế giới đang tăng, người dân lại ngày càng hướng đến các vaccine công nghệ cao như vaccine phối hợp và vô bào. Các hãng sản xuất vaccine lớn trên thế giới bao giờ cũng tập trung vào các thị trường truyền thống với giá cao. Đối với Việt Nam trước đây từng phải trợ giá vaccine, mà nhu cầu lại không ổn định, năm tăng, năm giảm”, ông Đạt cho biết thêm.

Ông Đỗ Tuấn Đạt - Công ty vaccine và sinh phẩm số 1
Cung không đủ cầu nên có lúc người dân phải thức đêm, xếp hàng dài chờ tiêm vaccine dịch vụ cho con. Khắc phục tình trạng này, nhiều đơn vị phân phối vaccine dịch vụ chọn giải pháp tình thế là chỉ tiêm cho những trường hợp đăng ký sớm. Tuy nhiên, việc thiếu vaccine dịch vụ vào thời điểm nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ bùng phát khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng.

Thời gian qua, số ca mắc sởi và ho gà xuất hiện rải rác tại nhiều địa phương, chủ yếu tập trung ở những trẻ chưa được tiêm phòng hoặc chưa đến tuổi tiêm vaccine. Đặc biệt, nhiều trẻ mắc bệnh khi đang chờ vaccine dịch vụ. Trong khi đó, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, vaccine thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng luôn đáp ứng  đủ nhu cầu, đảm bảo an toàn, hiệu quả và miễn phí. Để tránh mắc các bệnh truyền nhiễm, hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, không chờ đợi vaccine dịch vụ. Đặc biệt, hãy đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh ho gà mũi 1 ngay khi trẻ 2 tháng tuổi và tiêm vaccine phòng bệnh sởi mũi 1 ngay khi trẻ 9 tháng tuổi.

“Tất cả các trẻ cần được tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch. Không nên quá chờ đợi vào vaccine dịch vụ vì vừa qua nhiều trường hợp chờ đợi vaccine dịch vụ nên trẻ mắc sởi lúc 10 tháng tuổi, mà lẽ ra phải tiêm từ 9 tháng tuổi; các ca bệnh ho gà cũng vậy. Đặc biệt, mùa Đông Xuân này là mùa nguy cơ bùng phát nhiều bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó có sởi, ho gà, rubela”, Tiến sĩ Trần Đắc Phu cảnh báo.

Theo lộ trình đến năm 2020, Việt Nam mới sản xuất được vaccine phối hợp 5 trong 1. Hiện nước ta đã sản xuất được các vaccine đơn lẻ như bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B. Dự kiến đến 2018 sẽ sản xuất được vaccine Hib và ho gà vô bào làm tiền đề để sản xuất vaccine phối hợp 5 trong 1./.