Dự thảo đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đưa ra lộ trình hạn chế xe máy ngoại tỉnh từ năm 2020-2025 ở Thủ đô Hà Nộiđang hoàn thiện. Mặc dù đến nay dự thảo đề án đang xây dựng chưa có ý kiến chính thức nhưng gây tranh luận do hướng tới đối tượng đầu tiên là xe máy, chiếm 80% người tham gia giao thông.

Quan điểm của đề án cũng nêu rõ muốn giảm được phương tiện cá nhân thì phải phát triển mạnh Vận tải hành hành khách công cộng thay thế phương tiện cá nhân. Đây là một việc rất khó nhưng theo các chuyên gia nếu Hà Nội chuẩn bị kỹ lưỡng khoa học tính tới cả những yếu tố xã hội như tập quán cộng đồng,… thì việc hạn chế phương tiện cá nhân vẫn có thể thành công.

1_vov_vcbl.jpg
Nhu cầu đi bằng phương tiện công cộng của người dân vẫn rất thấp.

Để giải quyết bài toán đô thị và bài toán ùn tắc giao thông, Tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nêu quan điểm: “Nếu cứ để phát triển xây dựng tràn làn như hiện nay thì không bao giờ có thể giải quyết được ùn tắc giao thông. Khi dân số, cường độ đi lại của nhân dân hàng ngày tăng vùn vụt so với phát triển hạ tầng thì dù có thay đổi hình thức vận tải, bổ xung thêm phương tiện tàu điện ngầm, đường sắt trên cao, xe buýt… đều vô vọng không giải quyết được ùn tắc. Sự ia tăng thực tế số người trong các khu vực trung tâm nhiều hơn so với việc phát triển hạ tầng”- Tiến sĩ Khương Kim Tạo nói.

Tiến sĩ Tạo đề xuất, phát triển văn hóa giao thông để giải quyết ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, bởi vấn đề chính là phải giải quyết được văn hóa giao thông chứ không phải chỉ cấm đoán. “Ở đây phải giải quyết được vấn đề của người quản lý, người làm luật, người thực thi và người tham gia giao thông  phải có văn hóa hiểu biết về luật pháp, luật pháp xây dựng phải chuẩn mực và theo xu hướng phát triển nếu luật pháp không chuẩn mực sẽ xây dựng phát triển giao thông không đúng hướng. Vì luật pháp sẽ điều chỉnh xu hướng phát triển giao thông”, Tiến sĩ Tạo phân tích.

Tàu điện đường sắt trên cao, tàu điện mặt đất hay tàu điện ngầm đều là những phương tiện chạy trên các trục chính chứ không rải khắp được ở các vùng. Việc gom người ở các nơi ra xe buýt cỡ lớn để gom về các trục chính để đi tàu điện ngầm hay đường sắt trên cao thì phải có sự phối hợp bởi ngay xe buýt cỡ lớn bây giờ chạy trên 1 số tuyến đã bị nghẽn vì nhiều tuyến đường nhỏ. Vấn đề là phải phát triển cả hình thức xe buýt cỡ nhỏ, đặc biệt là các trung tâm trông giữ xe máy, tô tô và xe đạp để người ta có thể đi từ nhà ra chỗ có bến xe buýt có chỗ gửi xe để đi xe điện… phải có bài toán kết hợp tổng thể các tương tác qua lại với nhau, phát huy sức mạnh của mỗi loại phương tiện để hỗ trợ nhau.

Theo Tiến sĩ Tạo để đạt được sự thành công thì phải thí điểm theo từng khu vực làm sao phủ khắp toàn bộ quá trình. Còn nếu chỉ làm vài tuyến thì người ta khó có thể ra được tuyến mong muốn.

Ông Tạo ví dụ,  để đi từ Hà Đông vào trung tâm thành phố thì hai đầu tuyến Hà Đông và Cát Linh phải xây dựng những bãi đỗ xe lớn đủ đáp ứng năng lực vận chuyển của tàu điện. Người dân có thể gửi xe ở Hà Đông đi vào trung tâm thành phố sau đó trở ra lấy xe về nhà. Và khi vào trung tâm thì cũng cần có hệ thống xe buýt cỡ nhỏ để phục vụ nhu cầu của hành khách tiếp tục di chuyển trong thành phố. Đây là bài toán cần có nghiên cứu đồng bộ tổng thể.

Mạng lưới xe buýt phải được nâng cấp tiện lợi hơn nữa để thay đổi thói quen di chuyển bằng phương tiện cá nhân.

Tiến sĩ Tạo cho rằng để có bài toán tổng thể này thì rõ ràng phải phát triển văn hóa trong đó liên quan đến công tác quản lý nhà nước, quy hoạch là cần thiết.

Chủ trương thành phố Hà Nội là từ nay đến năm 2020 phải đẩy mạnh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và đây là phương tiện công cộng chủ lực giải quyết nhu cầu đi lại của người dân. Ngành giao thông Hà Nội đang xây dựng đề án phát triển nhanh, mạnh, đổi mới hoàn toàn xe buýt để đáp ứng được 20-25% nhu cầu đi lại của người dân (năng lực hiện tại khoảng 10-12%). Dự kiến năm 2021-2025 sẽ bắt đầu thực hiện hạn chế phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, sẽ giảm theo mỗi khu vực và bắt đầu từ trung tâm Thủ đô, sau đó giãn ra các trục trung tâm và các tuyến vành đai. Hướng đề xuất đến năm 2025, nếu thay đổi được thói quen đi lại và nếp sống đô thị của người dân,sẽ từng bước giảm phương tiện cá nhân từ khu vực Vành đai 3 trở vào.

Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội cho biết: Đây là đề án mang tính xã hội rất lớn nên cùng với Viện Chiến lược và Phát triển GT-VT tải rất thận trọng trong quá trình nghiên cứu; còn cần phải tham vấn ý kiến các chuyên gia, hội nghề nghiệp và lấy ý kiến nhân dân… /.