Tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) là một trong những công trình trọng điểm, đặc biệt quan trọng của TPHCM, dài 19,7 km. Tuyến có tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 47.325 tỷ đồng, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và Thị xã Dĩ An (Bình Dương), trong đó có 2,6 km đi ngầm và hơn 17,1 km đi trên cao dự kiến sẽ đưa vào vận hành thử nghiệm từ tháng 10/2020.
Tuyến Metro số 1 - ga Phước Long. |
Tuyến Metro số 1 - đoạn gầm. |
Theo ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, dự án tuyến Metro 1 vẫn đang có rất nhiều khó khăn. Quan điểm của Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM là nhanh chóng tháo gỡ mọi vấn đề, kể cả nguồn vốn. Tuy nhiên, có nhiều nội dung vượt quá thẩm quyền của chủ đầu tư, nhiều mốc thanh toán hiện vẫn vướng về pháp lý nhưng đang thực hiện hoàn tất các hồ sơ. Hiện đang có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ chung cần phải tháo gỡ, nhiều gói đã trễ tiến độ nhưng việc gia hạn phải trên cơ sở của tiến độ chung toàn dự án và quan trọng nhất là tiến độ tổng thể của toàn dự án và từ đó điều phối tiến độ của từng gói thầu.
“Quan trọng nhất là tiến độ tổng thể dự án và điều phối từng tiến độ các gói thầu cho phù hợp đảm bảo tiến độ chung. Trên cơ sở tiến độ tổng thể, tiến độ các gói thầu chúng tôi sẽ xem xét để gia hạn điều chỉnh các hợp đồng cho phù hợp với tiến độ chung. Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục hoàn thiện và có cách thức phối hợp để đảm bảo mục tiêu mỗi bên, hoàn thành đúng tiến độ dự án vào năm 2020”- ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM nói.
Đại diện của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam mới đây cũng bày tỏ sự tin tưởng vào những tín hiệu lạc quan gần đây, như việc UBND TP.HCM tiếp tục ứng vốn ngân sách để trả tiền cho các nhà thầu với các phần việc đã hoàn thành. JICA cũng mong muốn phía Việt Nam cần nhanh chóng giải quyết các vấn đề để thúc đẩy tiến độ phê duyệt tổng mức đầu tư.
Metro đi song song với Xa Lộ Hà Nội nhìn từ trên cao. |
Tuyến Metro số 1 - bên trái - đoạn cầu Sài Gòn. |
“Khó khăn lớn nhất là việc phê duyệt tổng mức đầu tư. Khó khăn này đã được Bộ Chính trị cho chủ trương. Tôi nghĩ các bước còn lại, thành phố sẽ cùng các bộ, ngành làm các thủ tục để phê duyệt nhanh tổng mức đầu tư đã được điều chỉnh. Trong thời gian chờ tổng mức đầu tư điều chỉnh dự án theo qui định, thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tích cực tìm các nguồn vốn bổ sung để thanh toán cho các nhà thầu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân”- Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết.
Tuyến Metro số 1 là dự án đặc biệt quan trọng không chỉ với thành phố mà còn cả nước, là biểu tượng của mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản. Vì thế, việc dự án này được đẩy mạnh triển khai ngay từ đầu năm nay là tín hiệu đáng mừng để dự án có thể đảm bảo đưa vào vận hành vào cuối năm 2020./.
TP HCM ứng tiền ngân sách thanh toán tuyến metro số 1
Phát hiện nhiều sai phạm thuộc tuyến Metro số 1