Tiếp xúc với các em tự kỷ lớn tuổi nhất (16-19 tuổi) của trường Albert Einstein- ngôi trường chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ, khác với hình dung của tôi về những đứa trẻ không kiểm soát được hành vi, ngôn ngữ, thì các em lớp lớn ở đây đều ngoan ngoãn, lễ phép, biết nghe lời và rất thân thiện.
Hoàng (16 tuổi) luôn nở nụ cười trên môi, em tươi cười hỏi thăm tôi, cô tên gì, cô ở đâu...Minh (17 tuổi) cũng vậy, em nhìn tôi chăm chú và rất tập trung khi giao tiếp với giọng nói còn ngọng nghịu. Khôi (16 tuổi) thì rất chủ động trong giao tiếp và hát rất hay.
Vở của Đức rất sạch sẽ, nét chữ đẹp, trình bày cẩn thận |
Ngồi góc lớp là Đức (17 tuổi). Cậu bé có gương mặt rất đẹp trai, ít nói và theo lời cô giáo thì cậu "ngoan tuyệt đối". Đức viết chữ rất đẹp, cẩn thận, chỉn chu, chơi bóng bàn và cầu lông rất giỏi.
Ngày đầu mới thành lập, trường có 5 học sinh và 3 giáo viên. Đến nay, ngôi trường khang trang, thân thiện này chính là ngôi nhà thứ hai của 23 học sinh và 15 giáo viên, là nơi đồng hành, sát cánh cùng phụ huynh trong việc chăm sóc và dạy dỗ các em tự kỷ.
Một số em gắn bó với trường đã gần 10 năm, ngay từ ngày mới thành lập (năm 2007). Những học sinh đặc biệt ấy hàng ngày vẫn chăm chỉ tới trường, trong đó có nhiều em nhà cách trường hơn chục cây số.
Hiếu có khả năng chơi đàn piano khá tốt |
Tuấn có phần nhút nhát, ít nói, khéo tay và rất thích sử dụng máy tính |
Các cậu bé này đã trải qua các chương trình học phù hợp với lứa tuổi, học những kỹ năng sống cơ bản nhất, học nâng cao nhận thức, trị liệu vận động. Khi lớn hơn, các em được học thêm các kỹ năng như nhặt rau, làm bếp, chơi các môn thể thao như bơi, cầu lông, bóng bàn, chạy, nhảy....
So với ngày mới vào trường, lúc 6-7 tuổi, khi đó nhiều em còn chưa biết nói, chưa biết viết, nhận thức gần như chỉ là con số 0, thì bây giờ, tất cả các em đã trưởng thành rất nhiều, hành vi ổn định, không có sự tăng động, chỉ còn vấn đề giao tiếp chưa được tốt.
Về mặt nào đó, các em còn may mắn là được đến trường bởi không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện đưa con tới các trường chuyên biệt cho trẻ tự kỷ. Nhưng, lẽ nào các em sẽ phải gắn bó mãi với nơi đây. Cuộc đời các em sau này sẽ ra sao, khi một mai cha mẹ già yếu hay kinh tế gia đình không đảm bảo để lo cho cuộc sống của các em.
Tương lai nào cho các em tự kỷ?
Nhà trường cũng chú trọng các hoạt động mang tính hướng nghiệp đơn giản, phù hợp với các em như nhóm học sinh lớn được học làm nghề, xâu vòng, dán phong bì, làm đồ dùng học tập, học soạn thảo văn bản trên máy tính...
Các em biết download ảnh theo chủ đề, in màu, ép plastic để giúp các cô. Trước Tết, nhóm học sinh lớn gọt khoai tây, làm mứt, làm bánh quy và khách hàng chính là cha mẹ các em, cô Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng trường Albert Einstein chia sẻ.
Tập làm bánh quy |
Các em đang gọt khoai tây để cung cấp cho các gia đình. Sản phẩm của các em nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các phụ huynh |
Sản phẩm handmade của trẻ tự kỷ trường Albert Einstein |
Theo cô Yến, một số em lớn có thể ra ngoài làm những công việc đơn giản trong nhà máy, nhà hàng. Tuy nhiên, đằng sau đó là những lo lắng, trăn trở của phụ huynh và nhà trường.
Có một số bạn lớn đã học tại đây và có kết quả tương đối tốt, có thể đi làm những công việc đơn giản nhưng bố mẹ lo lắng, thiếu quyết tâm, sợ con tiếp xúc với xã hội bên ngoài sẽ bị bắt nạt, bị trêu ghẹo, bị lạm dụng nên đành để con ở nhà. Do đó, việc hướng nghiệp để các em có thể làm việc ngay tại trường cũng là một giải pháp mà nhà trường nghĩ tới, cô Yến cho biết.
Nếu các em ra ngoài vẫn cần có người trợ giúp, giám sát. Một người phụ trách khoảng 3-4 em để giúp các em làm việc tốt, đảm bảo an toàn cho các em. Nhưng để các em có việc làm thì chắc chỉ có thể dựa vào các mối quan hệ thân quen như họ hàng, bạn bè. Điều quan trọng với các em tự kỷ là cần có một môi trường thân thiện, an toàn và nơi đó các em được đối xử tử tế, cô Yến nói.
Theo chị Hà, một phụ huynh có con học tại trường Albert Einstein thì trẻ tự kỷ là đối tượng rất cần nhận được sự cảm thông và trợ giúp nhưng các em lại chính là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi tiếp xúc với xã hội.
Hiện nay, nhiều người còn chưa nhận thức đúng về chứng tự kỷ, người tự kỷ vẫn bị kỳ thị và xa lánh. Nhà nước chưa quan tâm thích đáng, chưa có chính sách xã hội rõ ràng cho người tự kỷ như hỗ trợ về giáo dục đào tạo, giúp người tự kỷ hòa nhập cộng đồng hay hỗ trợ phát huy tiềm năng ở một số trẻ tự kỷ có tài năng đặc biệt, chị Hà bày tỏ./.