Sau vụ sập ngôi nhà Pháp cổ số 107 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội bị sập làm 2 người chết, 6 người bị thương ngày 22/9, nhiều người dân, nhất là những người sống xung quanh khu vực và tại các ngôi nhà cổ trên địa bàn Hà Nội bày tỏ lo lắng về sự an toàn của những ngôi nhà cổ.
Vụ sập nhà số 107 phố Trần Hưng Đạo đã khiến nhiều người dân sống xung quanh chưa hết bàng hoàng, lo lắng. Bà Trần Thị Ngọc, người dân sống ngay sau tòa nhà cổ này cho biết: “Từ hôm qua đến hôm nay, mọi người thấy hoang mang, từ trước đến nay có thấy gì đâu. Nhà đổ kêu rầm một cái như nổ mìn. Thật khủng khiếp. Đến giờ chúng tôi mới thấy sợ”.
Người dân cảm thấy bất an sau khi xảy ra vụ sập nhà |
Không chỉ gây lo lắng cho người dân sống xung quanh, mà còn là nỗi bất an đối với những người dân đang ở trong các biệt thự cổ và những ngôi nhà khác trên địa bàn phố cổ quận Hoàn Kiếm. Đặc biệt là thời điểm này có mưa to, gió lớn xảy ra liên tiếp.
Chị Lê Thúy Ngân, ở 38C Bát Đàn, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm cho biết: “Gia đình tôi cũng đang ở trong khu phố cổ chỉ có hai tầng. Hiện, người dân cũng đang cơi nới ra để ở trên nữa. Nhiều khi nguy cơ sập lúc nào không biết được. Tôi cũng rất lo lắng. Vì giờ nhà còn có bố, một ông cụ cũng 70 tuổi rồi. Hai vợ chồng và một con nhỏ, nhiều khi muốn sinh thêm cháu nữa cũng thấy sợ. Nhà được 40 mét vuông mà thật sự là gác lửng thôi. Những khu dân ở như thế thường là cái bếp rất bé, mà đun bếp gas nữa. Nếu có những sự cố bất ngờ không thể biết trước được”.
Thành phố Hà Nội hiện còn rất nhiều tòa nhà cổ hàng trăm năm tuổi đã xuống cấp. Tuy nhiên, do quy định bảo tồn nhà cổ, nên người dân không được tôn tạo, tu sửa, rất nhiều nhà đã xuống cấp, không biết sập lúc nào.
Bà Phí Hồng Điệp, chủ một ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi trên phố Mã Mây, quận Hoàn Kiếm chia sẻ: “Bây giờ không được xây, không được sửa chữa gì cả. Nhà có cụ 93 tuổi rồi, chỉ sợ bây giờ mưa nhiều mà nó sập một cái là chết. Sợ lắm. Từ trước đến nay thì chưa sợ, nhưng sau vụ sập nhà thì tôi cũng hoang mang và sợ chứ. Giờ thì cứ nơm nớp sợ thôi”.
Ông Vi Các Hồng, ở số nhà 61 ngõ Tức Mạc, phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm nêu ý kiến: “Tôi rất hoang mang với những nhà cổ ngày xưa. Khi đi qua các tòa nhà như vậy thấy rất lo sợ. Mái của nó xưa, cổ quá rồi. Vấn đề mưa gió, tường nứt lâu quá rất ảnh hưởng tới người dân ở xung quanh”.
Thành phố Hà Nội đã có chủ trương di dời, giãn dân trong phố cổ, với việc di chuyển 6.500 hộ dân ra khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên. Tuy nhiên, nhiều người dân còn băn khoăn và lo lắng về chính sách bố trí tái định cư nơi ở mới. Do đó, tuy phải sống trong những không gian chật hẹp, thiếu an toàn, nhiều người dân sống tại khu vực phố cổ vẫn không muốn đến nơi tái định cư mới.
Bà Nguyễn Hồng Mai, sống tại phố Hàng Bạc nêu ý kiến: “Người dân sống ở khu vực phố cổ lâu đời không muốn đi. Chúng tôi chỉ mong muốn được Nhà nước tạo điều kiện cho sửa chữa nhanh chóng hoặc chỉ dẫn cho chúng tôi tôn tạo, sửa sang để ở. Chứ còn đi tái định cư chỗ khác thì ít nhà muốn đi lắm”./.