Trong khi ngành y tế đang cố hướng đến việc làm hài lòng người bệnh, giảm bớt quá tải tuyến trên, xây dựng những mô hình bác sĩ gia đình nhưng dường như có một vấn đề ngành y đã bị bỏ quên. Đó là làm sao việc chuyển viện phải an toàn cho người bệnh, nhất là xác định sao cho đúng thời điểm buộc phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Cưa chân vì không được chuyển viện
Câu chuyện y tế cơ sở từ chối chuyển viện lên tuyến trên phổ biến đến mức mà hầu như người dân nào cũng từng chứng kiến, hay gia đình hoặc bản thân đều đã trải qua. Cũng vì một bệnh viện tuyến quận ngay tại thành phố Hồ Chí Minh từ chối chuyển viện mà suýt chút nữa chị Trần Thị Thanh Dung, ở quận Gò Vấp mất đi em ruột của mình.
“Em gái út của tôi bị sốt rét nhưng bệnh viện quận chẩn đoán là sốt xuất huyết nên cứ cho truyền nước biển vào. Kết quả là người bị phù nề. Sau nhiều lần xin chuyển viện nhưng không được, nên gia đình quyết định tự chuyển viện. Khi lên đến phòng cấp cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố thì bác sĩ bảo chỉ cần 2 phút nữa là sẽ chết. Nếu lúc đó không cương quyết thì em mình đã chết”.
Thế nhưng, tự ý chuyển viện không phải là một giải pháp cho việc đảm bảo sinh mạng của người bệnh. Bởi lẽ, người dân không thể có chuyên môn để đánh giá chính xác tình trạng bệnh của mình. Do đó, trên thực tế tự ý chuyển viện đã dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn và thậm chí là tử vong trên đường chuyển viện.
Điều gì đã khiến người dân phải đánh cược số phận của mình trên những chiếc xe cứu thương? Đó chính là vì niềm tin vào y tế cơ sở không còn nữa, xuất phát từ thực tế nhiều cơ sở điều trị từ chối chuyển viện, bất chấp tình trạng bệnh của người dân ra sao. Mới đây nhất, câu chuyện của nữ sinh 16 tuổi ở Đắk Lắk bị hoại tử chân là một minh chứng rõ ràng nhất cho tình trạng này.
Quy định chuyển viện thì đã có tại Điều 5, Thông tư 14 năm 2014 của Bộ Y tế. Đó là khi bệnh không phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, không nằm trong danh mục kỹ thuật được phê duyệt của cơ sở khám chữa bệnh. Hoặc dù bệnh phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị cũng như thuộc danh mục kỹ thuật đã được phê duyệt nhưng do điều kiện khách quan, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó không đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị… thì cũng phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Quy định là như thế, nhưng trên thực tế đã không thể nào kiểm soát chặt chẽ được tình trạng cố ý giữ bệnh nhân. Bởi quan trọng, quyết định chuyển viện hay không phụ thuộc vào con người của bác sĩ, vào trình độ chuyên môn và nhất là đạo đức ngành y.
Theo bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) thì việc chuyển viện hay không phải thông qua hội chẩn của bệnh viện, không nên chỉ để cho một bác sĩ quyết định.
“Khi nào chuyển tuyến thì phụ thuộc vào chất lượng chuyên môn của từng cơ sở khám chữa bệnh, từng trình độ mỗi bác sĩ. Chúng ta nên thực hiện hội chẩn trước khi quyết định cho chuyển viện hay không, chứ không nên để một bác sĩ ra quyết định. Tuy nhiên, cơ sở điều trị phải theo dõi sát tình hình bệnh nhân thì mới kịp thời hội chẩn, kịp thời chuyển bệnh nhân, không để xảy ra quá muộn xảy ra biến chứng” - bác sĩ Phạm Thanh Việt nói.
Một trong những con số mà ngành y tế dường như đã bỏ quên, đó chính là con số khám chữa bệnh trái tuyến. Bỏ qua những chính sách như tăng viện phí, bảo hiểm y tế như không thanh toán với bệnh nhân ngoại trú trái tuyến, số lượng bệnh nhân trái tuyến tại một số bệnh viện công lập tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn rất cao.
Chẳng hạn, tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh, số bệnh nhân ngoại trú đúng tuyến vào khoảng 150 người/ngày, trong khi tổng số bệnh nhân ngoại trú một ngày lên đến 1.800 người. Còn tại Bệnh viện Chợ Rẫy, số bệnh nhân khám trái tuyến, chấp nhận tự chi trả hoàn toàn viện phí là 30% bệnh nhân.
Những con số này cho thấy, người dân không có niềm tin vào y tế cơ sở. Điều này lí giải vì sao, người dân tự quyết định “đánh đu” với số phận của mình khi tự ý chuyển viện hơn là ở lại để điều trị tại y tế cơ sở. Và theo bác sĩ Nguyễn Thành Chơn, Bệnh viện Saigon ITO – Phú Nhuận, khi người bệnh đã không còn niềm tin thì không có lí do gì bác sĩ không cho chuyển viện.
Từ thực tế nêu trên, đã đến lúc, Bộ Y tế cần có một quy chế chặt chẽ hơn để việc chuyển viện hợp lý và kịp thời hơn để tránh thêm những câu chuyện đau lòng mỗi khi nói về y tế cơ sở./.