Mặc dù UBND tỉnh Đắk Lắk đã có quyết định tạm dừng quyết định của UBND huyện Krông Pắk khi cho giáo viên đang công tác tại huyện chấm dứt hợp đồng lao động hàng loạt thế nhưng sự việc không chỉ gây ảnh hưởng lớn tới giáo viên trên địa bàn mà còn gây tác động không nhỏ đến tâm tư, tình cảm của đội ngũ nhà giáo cả nước.

Điều đáng nói vụ việc cho hàng loạt giáo viên tạm dừng chấm dứt hợp đồng lao động đã từng xảy ra ở một số địa phương khác. Vậy vì sao vụ việc này lại xảy ra, giải pháp nào để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên... phóng viên VOV đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Bích Hợp, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam về nội dung này.

giao_vien1_zfun.jpg
Hơn 500 giáo viên tuyển thừa trong giai đoạn 2011-2016 ở huyện Krông Pách, Đắk Lắk sẽ bị cho thôi việc sau kỳ thi tuyển viên chức vào cuối tháng 3/2018 (Ảnh: Tuấn Long)
PV:
Thưa bà, trước vụ việc UBND huyện Krông Pắk, tỉnh
 Đắk Lắk
có quyết định cho hơn 500 giáo viên đang công tác tạm dừng chấm dứt hợp đồng lao động hàng loạt, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có ý kiến về việc này như thế nào?

 Bà Nguyễn Thị Bích Hợp: Ngày 10/3 từ báo cáo của Sở và Công đoàn giáo dục tỉnh, chúng tôi nắm được thông tin về việc huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk ra quyết định tạm dừng hợp đồng lao động hơn 500 giáo viên. Công đoàn Giáo dục Việt Nam có ngay văn bản gửi về địa phương và đề nghị Sở Giáo dục Đào tạo, Liên đoàn lao động và công đoàn giáo dục tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương có giải pháp kịp thời để cho số giáo viên vẫn có việc làm.

Quan điểm cố gắng bố trí sắp xếp cho các thầy cô làm việc ở địa bàn khác trong tỉnh, để đảm bảo cho tối đa số giáo viên này. Nếu không bố trí được, số giáo viên mất việc được hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ học nghề hoặc làm việc khác.

 PV:Giáo viên bị tạm dùng chấm dứt hợp đồng xảy ra ở tỉnh Đắk Lắk không phải là lần đầu tiên, trước đó có một số tỉnh như Thanh Hóa, Thái Bình, Đắc Nông... cũng xảy ra trường hợp tương tự. Vậy vì sao lại có sự việc này thưa bà?

 Bà Nguyễn Thị Bích Hợp: Theo Luật tổ chức hoạt động Ủy ban nhân dân thì việc quản lý sử dụng biên chế, công chức viên chức ở mỗi địa phương là do UBND huyện chịu trách nhiệm. Ngành giáo dục hầu như đứng ngoài trong việc tuyển dụng giáo viên nên có hiện tượng là hợp đồng lao động hàng loạt và cuối cùng chấm dứt lao động hàng loạt, cũng không riêng gì ở Đắk Lắk mà ở một số địa phương khác. Việc này khi xảy ra cũng ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư tình cảm, tâm huyết của đội ngũ nhà giáo ở địa phương đó cũng như là nhà giáo cả nước.

 PV: Vậy để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên, Công đoàn Giáo dục Việt Nam có kiến nghị gì thưa bà?

 Bà Nguyễn Thị Bích Hợp: Chúng tôi đề nghị các địa phương cần làm rõ trách nhiệm đối với việc tuyển dụng giáo viên, để giao quyền tự chủ, giao quyền quản lý giáo dục đối với địa phương đó. Việc hợp đồng giáo viên hay tuyển dụng cũng như là sắp xếp, bố trí đội ngũ đảm bảo hơn, sát với thực tiễn hơn.

Chúng tôi cũng kiến nghị đối với các địa phương cũng cần giao quyền tự chủ hơn cho ngành giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đã có những thông tư, những đánh giá thực trạng và có những khuyến cáo.

Chúng tôi cũng đề nghị các địa phương quan tâm hơn để ngành giáo dục chủ động hơn trong việc sắp xếp biên chế của chính ngành mình, còn lại những chế độ nhà giáo, việc hợp đồng lao động thì cũng phải đảm bảo đúng quy định, đúng luật.

Nếu như địa phương nào có những vi phạm về hợp đồng lao động của giáo viên thì chúng tôi cũng kiến nghị phải giải quyết và xác định rõ trách nhiệm xử lý. Chúng tôi mong muốn rằng, tỉnh Đắk Lắk nói riêng và các địa phương khác nói chung phải xác định rõ khi hợp đồng lao động đối với các thầy cô thì phải căn cứ vào nhu cầu thực tế./.

PV:Xin cảm ơn bà!