- Thấy gì khi lại xuất hiện “đàn em của Luyện”
- Người vợ phóng hỏa giết nhà báo Hoàng Hùng nhận án chung thân
- Tòa tuyên án tù 3 kẻ tuyên truyền chống Nhà nước
Theo thống kê mới nhất từ Bộ Công an, cả nước hiện có gần 400 tử tù, trong đó TP HCM có số phạm nhân chờ thi hành án tử hình đông nhất với 70 người.
Bộ Công an cho biết đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực và phương tiện, nhiều nhà thi hành án tử hình bằng thuốc độc đã được xây dựng xong tại TP HCM, Đắk Lắk, Sơn La, Hà Nội và Nghệ An. Nhưng đến nay vẫn chưa một trường hợp nào trong số hàng trăm tử tù bị thi hành án bằng phương pháp tiêm thuốc độc, dù hiệu lực của quy định này đã có gần một năm. Nguyên nhân vì phải chờ Bộ Y tế nhập thuốc.
Trong lúc chờ phương tiện để thực hiện thi hành án đối với phạm nhân tử hình, mới đây Bộ trưởng Bộ Công an vừa ký ban hành Thông tư 39/2012 Quy định về quản lý, giam giữ người bị kết án tử hình. Thông tư này đã quy định rất chi tiết về việc quản lý, giam giữ tử tù.
Theo đó, những đối tượng được thăm tử tù gồm: ông, bà (nội, ngoại), bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi hợp pháp, bố mẹ vợ (hoặc chồng), anh chị em ruột, vợ (hoặc chồng), con dâu, con rể, con đẻ, con nuôi hợp pháp.
Thông tư này cũng quy định, khi thân nhân đến thăm gặp tử tù phải có sổ thăm gặp do trại tạm giam cấp hoặc đơn đề nghị được thăm gặp có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú, hoặc cơ quan, đơn vị nơi làm việc, giấy chứng minh thư nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác.
Theo quy định tại Thông tư, tử tù chỉ được gặp không quá 5 người thân trong mỗi lần gặp. Mặc dù số lần người nhà được thăm gặp tử tù tùy thuộc vào điều kiện của trại tạm giam và do giám thị trại tạm giam quyết định, nhưng mỗi tháng không được gặp quá một lần, và thời gian gặp không quá một giờ/lần.
Thông tư cũng quy định, với trường hợp thân nhân người bị kết án tử hình là người nước ngoài khi thăm gặp phải có đơn đề nghị (bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài) và được sự đồng ý của thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý trại tạm giam. Nếu đơn viết bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch sang tiếng Việt, được xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước mà người đó mang quốc tịch hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam, nơi người đó làm việc.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/8/2012./.