Hầu hết chúng ta đều có thói quen cứ khi bị ho, sốt là đến các hiệu thuốc để mua thuốc uống mà không cần đơn chỉ định của bác sĩ hay đến khám tại các cơ sở y tế.

vov_nha_thuoc_rxnl.jpg
Một hiệu thuốc dán thông báo khuyến cáo khách hàng khai báo y tế khi có triệu chứng ho, sốt, khó thở.

Thói quen này hình thành từ tâm lý chủ quan của mọi người khi cho rằng cúm, ho, sốt chỉ là các bệnh nhẹ thông thường. Hơn nữa, tại mọi hiệu thuốc, dược sĩ, người bán đều có thể tư vấn rất nhiệt tình, cụ thể những loại thuốc trị bệnh cơ bản này. Do vậy, mua ở một hiệu thuốc quen, một hiệu thuốc ở gần nhà hay ngay trên đường về sẽ tiện hơn rất nhiều so với việc phải xếp hàng dài chờ khám ở bệnh viện. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, các chuyên gia y tế cảnh báo rằng, thói quen này rất nguy hiểm. Thực tế, tại Việt Nam đã xuất hiện những ca mắc Covid-19 không rõ nguồn gốc lây bệnh (mất dấu F0). Do vậy, ngay khi có các triệu chứng ho, sốt thông thường… người dân cũng cần đề phòng, bởi các triệu chứng của Covid-19 cũng tương tự triệu chứng cảm cúm.

Theo bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị (Hà Nội), tự mua thuốc khi ho, sốt là thói quen xấu cần thay đổi trong mùa dịch Covid-19.

Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm cho biết: “Thực ra tình trạng này đã kéo dài rất nhiều năm nay và là thói quen của bộ phận không nhỏ dân chúng. Thế nhưng trong mùa dịch Covid-19 thì đây là việc có hại. Đặc biệt, trong thời điểm hiện tại, dấu vết của những người mắc bệnh đầu tiên (hay còn gọi là F0) thì rất mờ nhạt. Chúng ta rất khó để có tiền sử dịch tễ để biết bệnh nhân này có nguy cơ hay không”. 

Chính vì lý do như vậy, những người có triệu chứng về đường hô hấp như ho, sốt, chảy mũi, đau rát họng, đau mỏi người cần được tư vấn bởi những người có chuyên môn. Và nếu chúng ta có nhiễm thì trong thời gian sinh hoạt tại nhà, tại cộng đồng, tại cơ quan, có thể đã lây nhiễm cho người khác. Điều này làm cho công cuộc chống dịch, khoanh vùng các bệnh nhân nhiễm càng trở nên khó khăn. 

PGS.TS Trần Đắc Phu.

“Chúng ta chỉ cần gọi điện cho y tế phường để sàng lọc xem chúng ta liệu có nguy cơ nhiễm Covid-19 hay không, đồng thời những lời khuyên chuyên môn đó sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều. Nếu chúng ta tự ý mua thuốc, vô hình chung đã làm mất đi triệu chứng và không thể khẳng định nhiễm bệnh hay không”, bác sĩ Khiêm khuyến cáo.

Nhấn mạnh khuyến cáo trong vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng (Bộ Y tế) cũng cho rằng, đúng thời điểm dịch lây lan ra cộng đồng, Việt Nam đã làm tốt cách ly xã hội và trong 14 ngày qua chúng ta không có ca dịch mới trong cộng đồng.

Đây là dấu hiệu khả quan, nhưng đặc biệt người dân không nên chủ quan. Nhất là với Covid-19, khi có nhiều người mang mầm bệnh, không có triệu chứng hoặc có triệu chứng rất nhẹ như sốt, ho… Do vậy, có thể có nguy cơ lây lan dù rất nhỏ.

“Chúng ta kiểm soát lây lan thông qua phát hiện những người có triệu chứng sốt, ho, khó thở… Tại Hà Nội, vừa qua đã yêu cầu những người có triệu chứng cúm tự đi mua thuốc tại hiệu thuốc phải khai báo và báo với y tế cơ sở. Đây là biện pháp tích cực trong phòng, chống dịch”, ông Phu nói.

Việt Nam đã thực hiện tốt 5 bước: Ngăn chặn-Phát hiện-Cách ly-Khoanh vùng-Dập dịch. Đây là chiến lược đúng đắn từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, đến quá trình ứng phó dịch bệnh và để phòng, chống sau này./.