Cùng với các biện pháp đấu tranh hòa bình khác, trên mặt trận thông tin, tuyên truyền, các cơ quan báo chí đã thông tin sự thật khách quan để người dân cả nước và toàn thế giới thấy rõ những hành vi sai trái của Trung Quốc, hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhân kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, phóng viên Báo VOV phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương về vấn đề này.

PV: Ông đánh giá thế nào về công tác tuyên truyền của báo chí trong việc đấu tranh hành vi sai trái của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam?

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành vi hết sức sai trái, vi phạm Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982 (UNCLOS), vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), rồi vi phạm cả thỏa thuận cấp cao giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt về các vấn đề trên biển.

pv12_qbym.jpg 

Ông Nguyễn Thế Kỷ trong một một chương trình giao lưu với Đài TNVN

 

Trong đấu tranh, quan điểm của chúng ta là giải quyết bằng giải pháp hòa bình, bằng con đường ngoại giao. Chúng ta đã giao thiệp với phía Trung Quốc kể cả bằng công văn, công hàm, kể cả gặp trực tiếp, điện đàm đến nay hơn 30 lượt từ cấp vụ, cục đến Thứ trưởng, Bộ trưởng…

Trên thực địa, chúng ta đưa tàu thực thi pháp luật của cảnh sát biển, kiểm ngư dùng loa tuyên truyền cho phía Trung Quốc thấy được hành vi sai trái và yêu cầu họ phải rút ngay ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Đấu tranh trên báo chí, tuyên truyền là lĩnh vực hết sức quan trọng và cũng là một biện pháp hòa bình. Chúng ta cũng tạo điều kiện cho báo chí nước ngoài đến Việt Nam tác nghiệp, ra ngoài thực địa để thấy rằng vùng biển này của ai. Rồi trên thực địa, ai là người đàng hoàng, chững chạc, chính nghĩa, ai là kẻ khiêu khích, gây hấn và có hành vi sai trái. Phóng viên của các hãng thông tấn lớn như: CNN, Reuters, Asahi Shimbun, Fuji Television Network, rồi của Đức, Anh… đã có mặt trên thực địa để chứng kiến. Tất cả hình ảnh và bài viết của phóng viên quốc tế đã cho cả thế giới thấy hành vi sai trái của Trung Quốc.

Qua theo dõi, tôi thấy thái độ của báo chí cũng đàng hoàng, chững chạc. Chúng ta vừa nêu được bằng chứng lịch sử bằng tư liệu, bản đồ, hiện vật và cả nhân chứng rồi bằng cơ sở pháp lý. Đặc biệt, những hình ảnh tư liệu anh em đi từ thực địa về có bằng chứng rất hiển nhiên, rõ ràng để đấu tranh với những hành vi sai trái của Trung Quốc. Tôi cho rằng, báo chí chúng ta đã làm tốt nhiệm vụ khi thông tin kịp thời, khách quan sự việc.

Đấu tranh về mặt dư luận: Cuộc đấu tranh chính nghĩa với phương pháp đúng đắn của chúng ta được dư luận trong nước và quốc tế đồng tình ủng hộ. Dư luận trong nước và thế giới đấu tranh, đòi Trung Quốc phải thực thi nghiêm chỉnh luật pháp quốc tế, DOC, phải rút ngay giàn khoan Hải Dương 981, máy bay, tàu thuyền ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Càng ngày, thế giới càng lên tiếng ủng hộ chúng ta mạnh mẽ hơn. Và cho đến nay, chưa có một nước hay tổ chức quốc tế nào bênh vực phía Trung Quốc.

Còn lĩnh vực đấu tranh về pháp lý, chúng ta cũng tính đến, đó cũng là giải pháp hòa bình. Sẽ có lúc chúng ta có thể sử dụng biện pháp này.

PV: Chúng ta đã xử lý nghiêm những kẻ gây rối, chống người thi hành công vụ ở các khu công nghiệp, hỗ trợ và bảo vệ nhà đầu tư, cam kết bảo đảm an toàn tuyệt đối môi trường đầu tư tại Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí khi thông tin về vấn đề này?

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Thông tin về vấn đề này, báo chí đã tuyên truyền với thái độ hết sức trách nhiệm, bình tĩnh. Ngay từ đêm 13 - 14/5 và những ngày tiếp theo, chúng ta có nhiều bài phê phán gay gắt hành vi vi phạm pháp luật của những kẻ quá khích. Rồi, chúng ta nêu rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về khẳng định bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; xử lý nghiêm những kẻ gây rối an ninh, chống người thi hành công vụ… Đặc biệt, báo chí đã tuyên truyền những giải pháp và kêu gọi người lao động ở các khu công nghiệp, người dân không bị mắc mưu, không bị kẻ xấu lôi kéo, kích động để làm những việc phi pháp.

Về những vấn đề tuyên truyền đấu tranh trên thực địa, trên các lĩnh vực dư luận xã hội, phải nói rằng anh em tuyên truyền rất có trách nhiệm. Sự chỉ đạo của chúng ta cũng bám sát tình hình, thường xuyên, nhịp nhàng. Các đồng chí lãnh đạo cấp trên, cả người dân và công chúng đánh giá cao vai trò của báo chí trong tuyên truyền về vấn đề này là rất tốt.

 

Phóng viên Hải Sơn tác nghiệp tại hiện trường

 

Tôi nghĩ tuyệt đại đa số người dân đồng ý với biện pháp của Nhà nước ta: Thể hiện tinh thần yêu nước bằng một thái độ, việc làm đúng pháp luật, chứ đâu phải cứ xuống đường là yêu nước, cứ phải gào to “tôi yêu nước” là yêu nước. Có một thời, nói yêu đất nước như yêu mỗi đỉnh núi, dòng sông, đến lúc tột cùng là những dòng máu đỏ.

Yêu nước bằng cách anh học tập tốt hơn, anh lao động sản xuất tốt hơn, anh đổ mồ hôi trên đồng ruộng, anh hướng lòng mình về Trường Sa, Hoàng Sa bằng việc làm thiết thực, có thể bằng việc góp chút ít tiền lương, thu nhập của anh, hay gửi ra đó một lá thư động viên anh em. Điều đó là thể hiện tinh thần yêu nước. Còn những hành động quá khích, gây rối đập phá, chống người thi hành công vụ ở khu công nghiệp Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh và một số nơi khác… chỉ làm hại cho đất nước.

Ứng phó với sự việc này, chúng ta đã triển khai rất sớm các biện pháp để ngăn chặn hậu quả xảy ra không quá lớn. Chủ tịch nước đến tận khu công nghiệp ở Bình Dương để kiểm tra, gặp các nhà đầu tư. Thủ tướng tại các diễn đàn trong nước và quốc tế cũng đã tuyên bố chủ trương của Việt Nam là xử lý nghiêm hành vi gây rối. Bên cạnh đó, chúng ta cũng kịp thời hỗ trợ các nhà đầu tư, lấy lại lòng tin của họ. Hiện nay, phần lớn các khu công nghiệp đã trở lại hoạt động, có những nhà máy, doanh nghiệp đã trở lại làm việc gần như 100%.

PV: Cũng là nhà báo, ông có chia sẻ gì với anh em phóng viên?

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Thực tế, anh em tác nghiệp trên biển hết sức khó khăn, vất vả. Ngoài sự khắc nghiệt của thời tiết trên biển, họ còn phải đối mặt với hành vi hung hăng, khiêu khích của các tàu Trung Quốc. Anh em chính là những người lính trên mặt trận tuyên truyền, đứng ở “nơi đầu sóng ngọn gió”, thậm chí sẵn sàng chấp nhận sự nguy hiểm đến tính mạng của mình để có thông tin và hình ảnh tốt nhất đấu tranh với những việc làm sai trái của Trung Quốc.

Nhiều anh em về kể chuyện, việc sinh hoạt trên tàu rất khó khăn. Có những người 3 - 6 ngày mới được tắm, rồi thiết bị điện bị hỏng điều hòa không có, rất nóng bức. Điều kiện ăn ở gian khổ, nhất là thời kỳ vừa rồi có một số phóng viên nữ ra biển.

Còn phóng viên nước ngoài ra biển, họ cũng chấp nhận gian khổ. Và phải nói rằng sự chịu đựng ấy là ghê gớm vì họ cũng ít khi tác nghiệp trong điều kiện sóng biển. Đặc biệt hiện nay, sóng biển bắt đầu dữ dội, rồi tàu thuyền của phía Trung Quốc lại hết sức manh động khi đâm, húc vào tàu Việt Nam.

Tôi tin rằng, người dân cả nước rất tự hào và trân trọng những đóng góp của anh em trên mặt trận đấu tranh báo chí. Hơn 90 triệu người dân Việt Nam luôn mong ngóng những tin tức nóng hổi từ thực địa anh em gửi về.

PV: Ông có nhắn nhủ gì các nhà báo khi tác nghiệp, viết về chủ đề biển đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước?

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Chúng ta phải luôn luôn nắm vững chủ trương, quan điểm, giải pháp của Đảng và Nhà nước, đó là độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước là cao nhất, là tuyệt đối, không có gì đánh đổi. Trong đấu tranh gìn giữ chủ quyền, chúng ta có những biện pháp hòa bình, cố gắng giữ được môi trường hòa bình. Thậm chí phải kiên nhẫn, chịu đựng khó khăn, chịu đựng cả sự thử thách, khiêu khích của phía Trung Quốc để chúng ta giữ vững môi trường hòa bình, không để xảy ra những hành vi manh động, xung đột có thể dẫn tới chiến tranh.

Chúng ta là dân tộc yêu hòa bình nhưng chúng ta không sợ bất cứ kẻ thù nào. Lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc cho thấy, chúng ta không sợ bất cứ kẻ thù nào, kể cả kẻ thù hung bạo nhất của thời đại, chúng ta 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông, đại phá quân Thanh, rồi thắng thực dân Pháp, thắng đế quốc Mỹ, thắng cuộc chiến tranh biên giới. Nhưng đó là khi kẻ thù dồn chúng ta đến chân tường, không còn cách nào khác buộc chúng ta phải cầm súng. Chúng ta hiểu rằng, giọt máu đổ xuống, dù của người bên này hay bên kia thì đều là của nhân dân, người lao động hay con em của họ. Bởi vậy, chúng ta cần thiết để người dân hai nước hiểu những hành động phi lý vừa qua là cái sai và là trách nhiệm của nhà cầm quyền Trung Quốc chứ không phải nhân dân, đất nước Trung Quốc.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!./.