Cần thiết phải rành mạch giữa cơ chế tự chủ tài chính, khu vực xã hội hóa với khu vực khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để bảo đảm sự công bằng trong việc chi trả của bệnh nhân khi khám, chữa bệnh.

benh_vien_bach_mai_vvln.jpg
Quá trình tự chủ tài chính tại các bệnh viện cũng đang bộc lộ không ít những bất cập, chưa rạch ròi công - tư, đòi hỏi phải có sự đổi mới trong quản lý, vận hành chính sách này.

Sau hơn 10 năm thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các bệnh viện công lập, số lượng các đơn vị bảo đảm chi thường xuyên ngày càng tăng. Các đơn vị do ngân sách bảo đảm toàn bộ giảm. Đến nay, cả nước có khoảng 100 bệnh viện công đã tự chủ được phần lớn kinh phí hoạt động, đồng thời có bước chuyển từ tư duy phục vụ sang tư duy cung ứng dịch vụ, đáp ứng hài lòng của người bệnh.
Song quá trình tự chủ tài chính tại các bệnh viện cũng đang bộc lộ không ít những bất cập, chưa rạch ròi công - tư, đòi hỏi phải có sự đổi mới trong quản lý, vận hành chính sách này.
Là một trong những đơn vị đầu tiên được Bộ Y tế giao tự chủ tài chính, Bệnh viện Bạch Mai đã mở rộng các khoa, phòng khám chữa bệnh theo yêu cầu, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại và điều trị cho người bệnh. Nhờ đó, bệnh viện đảm đương được khoảng 1,6 triệu lượt chữa bệnh ngoại trú, 150.000 lượt người đến điều trị nội trú hàng năm. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, để công ra công, tư ra tư không phải điều dễ dàng.
Ông Quốc Anh phân tích, nhờ có xã hội hóa mà các bệnh viện có máy móc, trang thiết bị hiện đại, huy động được các nguồn lực nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Bây giờ không có nguồn lực Nhà nước, không cho xã hội hóa thì các bệnh viện sẽ không có được những trang thiết bị hiện đại đó, chất lượng khám chữa bệnh vì thế bị ảnh hưởng.
Ông Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, hiện bệnh viện đã phải tự chủ 100% sau khi vay xây dựng theo nguồn vốn xã hội hóa. Hiện mỗi năm đơn vị này trả cả gốc và lãi gần 100 tỷ đồng, trong khi tổng thu chỉ có 400 - 450 tỷ đồng. Dù phải tự làm, tự ăn nhưng việc thực hiện kế hoạch, giá dịch vụ, rồi tuyển nhân sự, xây căng tin phục vụ bệnh nhân vẫn phải chờ ý kiến của Bộ Y tế và một số bộ liên quan.
Kết quả nghiên cứu 18 bệnh viện công thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của Viện Chiến lược và chính sách y tế, Vụ Kế hoạch, tài chính, Bộ Y tế cho thấy, các bệnh viện tuyến trung ương và thành phố lớn hưởng lợi nhiều hơn từ cơ chế tự chủ. Các bệnh viện này thu hút được nhiều người bệnh có khả năng chi trả các dịch vụ kỹ thuật cao, có khả năng huy động vốn đầu tư từ nguồn xã hội hóa dễ dàng. Còn các bệnh viện tuyến huyện khả năng tự chủ rất hạn chế. Điều đó cũng làm dịch chuyển nguồn lực y tế có chất lượng cao từ tuyến dưới lên tuyến trên.
Ông Nguyễn Văn Tuyên, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề của Quốc hội cho rằng, về lâu dài các bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính cần tách bạch khu vực xã hội hóa với khu vực khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Tại buổi làm việc mới đây với Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, vấn đề tự chủ tài chính sẽ dẫn tới xã hội hóa nhưng phải rành mạch về công - tư, không được công tư lẫn lộn trong đơn vị y tế công lập để đảm bảo công bằng, không gây phản cảm, tránh tình trạng chỉ có bệnh viện tuyến trung ương phát triển, quá tải bệnh nhân, còn tuyến dưới thì yếu kém, vắng người bệnh./.