>> Tự chủ đại học là tất yếu - vướng đâu gỡ đó?

LTS:Tự chủ đại học hiện đang vướng ở chính quan điểm về vấn đề này và những quy định để hướng dẫn, điều chỉnh những phát sinh trong quá trình thực hiện. Ở cấp vĩ mô, các chính sách đang dần hoàn thiện, tuy nhiên, trên thực tế, các trường đang rất cần những hướng dẫn cụ thể để có thể làm nhanh, làm đúng.

Tự chủ đại học không chỉ thực hiện theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (Luật số 34) mà còn chịu sự chi phối của các luật khác như Luật Tài sản công, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Công chức– Viên chức… Thực tiễn hiện nay cho thấy, các trường đại học thực hiện tự chủ mong muốn vướng ở đâu sớm được tháo gỡ ở đó.

Gỡ vướng về khung văn bản pháp lý

Đề cập đến vấn đề tự chủ đại học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: Tự chủ luôn gắn liền với trách nhiệm giải trình. Mọi hoạt động tự chủ đại học phải được thực hiện theo pháp luật và cả những quy chế công khai do toàn xã hội giám sát chi tiết. Tự chủ đại học không có nghĩa là không còn nguồn đầu tư của nhà nước. Ở tất cả các nước, các trường đại học tự chủ, nhà nước vẫn phải tiếp tục đầu tư, không chỉ trong đặt hàng đào tạo hay cấp học bổng mà còn để xây dựng cơ sở vật chất. Tự chủ đại học không có nghĩa là không có quản lý mà phải quản lý theo pháp luật, không chỉ pháp luật về giáo dục mà pháp luật nói chung. Tại tất cả các nước, cả chính phủ, xã hội và nhà trường thực hiện giám sát tự chủ, nhưng vẫn phải có cơ chế để đảm bảo các đối tượng như người nghèo, người khuyết tật hay các đối tượng đặc thù không bị giảm bớt cơ hội tiếp cận giáo dục đại học.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM cho rằng, đã đến lúc xác định rõ: Tự chủ không có nghĩa là tự do, tự lo mà ngược lại, cơ sở giáo dục được gỡ các "nút thắt" trong các quy định pháp luật giáo dục đại học trước đây, được tự chủ trong mọi hoạt động và trong khuôn khổ các quy định pháp luật có liên quan: "Vướng mắc lớn nhất là khung văn bản pháp lý và tư duy về tự chủ. Các trường đại học đã sống trong các quy định, quy chế rất chặt chẽ từ bao lâu nay rồi. Do đó, để tự chủ đại học, nghĩa là các trường tự quyết định chính mình về học thuật, cơ cấu nhân sự, nhiều vấn đề tài chính thì trước hết phải tháo gỡ những quy định hạn chế, cản trở các quyền tự chủ này".

Trường Đại học Tài chính- Marketing là trường công lập tự chủ trực thuộc Bộ Tài chính. Trường được giao tự chủ tài chính từ năm 2006 và đang tiếp tục xin phép được tự chủ toàn phần trong công tác đào tạo đại học.

Tiến sĩ Hoàng Đức Long, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng chủ trương của Đảng, nghị quyết của Chính phủ và các quy định trong luật về tự chủ đại học đã từng bước tháo gỡ những vướng mắc, nhưng vẫn còn tồn tại các quy định giữa luật này với luật kia không đồng nhất với nhau, khiến các trường không biết làm theo luật nào. Cụ thể như, Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư công chưa có nên chưa xác định nguồn vốn đầu tư từ đại học là đơn vị công lập là nguồn nào; trường đại học tự chủ được áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp nhưng chưa đưa ra là mô hình nào; nhà nước hỗ trợ về thuế, phí, giá dịch vụ cho các đơn vị sự nghiệp công- bao gồm các trường tự chủ nhưng cũng chưa hướng dẫn rõ; cho thành lập doanh nghiệp đa sở hữu trong trường đại học nhưng cũng không hướng dẫn…

"Chúng tôi thấy điều 32 của Luật số 34 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học) điều gì cũng mở cho đại học tự chủ nhưng ràng buộc là “căn cứ vào quy định pháp luật của các luật hiện hành”. Nhưng các pháp luật hiện hành thì lại chưa cởi trói đồng bộ với Luật số 34", TS Hoàng Đức Long nói.

Nhận thức rõ về tự chủ đại học và xử lý sai phạm

Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Nông lâm TP HCM cho rằng, vướng mắc đầu tiên và có thể xuyên suốt là do chưa thực sự thay đổi về nhận thức, từ đó các trường chưa quyết tâm quyết liệt thực hiện tự chủ. Vẫn còn tình trạng chưa hiểu hết ý nghĩa của việc trường được tự chủ là cả về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, đào tạo, hoạt động khoa học công nghệ, đảm bảo chất lượng, hợp tác quốc tế, mà chỉ hiểu đơn thuần là tự chủ tài chính.

Đã đến lúc các trường cần nhìn xa hơn, nghĩ xa hơn rằng: Khi tự chủ đồng nghĩa với sự tự chịu trách nhiệm cao hơn, tất cả các hoạt động sẽ phải cân nhắc hiệu quả, thậm chí đột phá để đổi mới tư duy, không theo lối mòn, không phụ thuộc vào những quy định lỗi thời, bất cập…Bên cạnh đó, do hành lang pháp lý còn nhiều bất cập nên đã có những trường mạnh dạn thực hiện tự chủ và mắc phải sai sót. Với những trường hợp như vậy, cần phải nhìn nhận lại cho đúng, không nên mở rộng ra đề nâng vấn đề, mà phải giải quyết thế nào đề tiếp tục tự chủ đại học tốt nhất.

Tiến sĩ Trần Đình Lý nhìn nhận: "Tự chủ đến thời điểm này chắc chắn là xu thế. Nhưng trong thực tế có một số trường hợp cá biệt có sai sót, có một số khó khăn bất cập, đặc biệt khó khăn về hành lang pháp lý. Tôi đề nghị là các cấp có thẩm quyền khi xử lý trường hợp cá biệt này, trong trường hợp chưa rõ ràng, đúng sai mong manh thì nên hướng theo quan điểm là có lợi cho đối tượng".

Tự chủ là xu hướng tất yếu của giáo dục đại học nếu muốn phát triển và hội nhập, bởi nếu cứ trông chờ ngân sách thì không thể đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, sự đầu tư cho học thuật. Tuy nhiên cũng không nên nghĩ một chiều rằng, tự chủ là chỉ đơn thuần tăng học phí. Tự chủ là để có cơ hội áp dụng các chính sách, cơ chế cho phép nhà trường chủ động tìm nguồn kinh phí, giảm bớt gánh nặng học phí cho người học. Tự chủ đại học cần gắn liền với sự chủ động trong mọi công tác của nhà trường.

Tự chủ đại học đi đôi với tự chịu trách nhiệm, bao gồm trách nhiệm giải trình. Nhà trường chịu trách nhiệm trước hết là với chính mình, sau đó sẽ là trách nhiệm đối với người học và xã hội./.