Từ câu chuyện một học sinh tưới xăng đốt trường khi nhận đủ lượt like trên facebook cho thấy, mạng xã hội ẩn chứa những bất cập và nguy hiểm, đặc biệt với trẻ em. Làm thế nào để hóa giải điều này, giúp cho trẻ cân bằng được các mối quan hệ xã hội - cả thật và ảo?

dot_truong_chqn.jpg
Câu like trên mạng học sinh đốt trường.

Hậu quả từ trào lưu thích nổi tiếng trên mạng

Những ngày qua, tràn ngập trên mạng xã hội (MXH) là các clip quay lại cảnh đánh nhau, xô xát giữa các em học sinh. Cứ liên tiếp, vụ việc này chưa lắng đã tới vụ việc khác, với mức độ từ nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng và diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành. Điển hình như vụ nam sinh ở Yên Bái tự tử sau khi clip bị bạn học đánh và bắt quỳ gối van xin giữa đường lan truyền.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường là do mâu thuẫn trên facebook. Chỉ cần một status, một comment không “vừa mắt xuôi tai” cũng dễ dàng dẫn tới trận ẩu đả giữa các học sinh. Điều đáng nói là những clip về bạo lực học đường được tung lên mạng dù nhiều như vậy nhưng cũng chỉ phản ánh được phần nào vấn nạn này. Với việc hầu hết học sinh hiện nay đều sử dụng facebook thì nguy cơ bạo lực học đường bắt nguồn từ mâu thuẫn trên facebook là rất lớn. Một học sinh lớp 7 ở một trường thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội kể: “Đầu năm học, một nhóm các bạn ở lớp khác đã đến tận cửa lớp cháu định đánh một bạn gái trong lớp chỉ vì dám không... like bức ảnh của họ”.

Hoặc mới đây, hôm 10/10, một học sinh lớp 8 ở tỉnh Khánh Hòa đã tưới xăng trước phòng y tế nhà trường và châm lửa đốt để thực hiện lời hứa sau khi nhận đủ 1.000 like trên facebook. Sự việc khiến cộng đồng hết sức bàng hoàng, lo ngại. Hiện trên mạng xã hội (MXH), không ít bạn trẻ chạy theo trào lưu phản cảm “Đủ like là làm”. Bắt nguồn từ vụ việc một thanh niên tuyên bố bức ảnh đủ like thì sẽ tự thiêu rồi nhảy kênh Tân Hóa, ngay sau đó, hiện tượng này đã lây lan mạnh, hàng loạt bạn trẻ cũng đã: đủ like sẽ cởi đồ, đủ like sẽ tung clip sex... Việc bất chấp mọi hậu quả để câu like đang tạo thành trào lưu nguy hiểm trên mạng.

Theo TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, câu chuyện này phản ánh MXH đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trong khi đó, trẻ em chưa được trang bị những kỹ năng để có thể ứng xử một cách an toàn và có văn hóa ở thế giới ảo. Ở đây cũng biểu lộ tâm lý thích được nổi tiếng trên mạng của các em. Điều này thường có ở những em không được quan tâm trong cuộc sống thực và các em vào MXH để tìm kiếm điều này. Nhưng vì thế nhiều khi lại đưa đến hậu quả đáng tiếc.

“Hãy tham gia Facebook như tham gia giao thông”

Sẽ rất khó để cấm các em học sinh dùng facebook. Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn nêu ý kiến: “Hãy coi việc tham gia facebook như là tham gia giao thông, mỗi người phải tự có ý thức bảo vệ mình. Nếu sợ mà không cho dùng facebook thì khác gì sợ tai nạn giao thông nên buộc ngồi nhà”. Theo chuyên gia Đinh Đoàn, về phía gia đình, cần phải có sự khuyên nhủ con hợp lý, để các con hiểu rằng: Nếu có điều gì xảy ra trên facebook thì đóng mạng vào là hết. Mạng liên tục cập nhật những tin mới, cho nên tin, hình đưa về mình rất nhanh chóng bị trôi qua. Quan trọng nhất là người thân, ruột thịt đánh giá về mình thế nào.

Nhà văn Trang Hạ cho rằng: “Đừng like, share, comment, bình luận ác ý về những nạn nhân của kẻ xấu ở trên facebook bởi hành vi này làm lan truyền, và vô tình hưởng ứng cho cái xấu đó. Điều nên làm là báo cho cơ quan chức năng, hoặc gửi thư inbox cho nạn nhân nếu như bạn biết nạn nhân và hỏi xem họ có cần giúp đỡ không”.

Cô giáo Dương Thị Thanh Thủy, Trường THCS Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội đề xuất, thầy cô giáo nên lập một trang facebook để quản lý, kết bạn với học sinh, qua đó có thể nắm bắt được tâm tư của các em. Về phía nhà trường, cần tạo điều kiện để giáo viên tổ chức các lớp tập huấn cụ thể hoặc đưa các tiết dạy cách sử dụng MXH hiệu quả cho học sinh.

Theo Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, trước khi đồng ý cho con tham gia MXH, cha mẹ cần thảo luận với con về các mặt tích cực, tiêu cực của việc này; những vấn đề cần lưu ý về mặt pháp luật - trách nhiệm của người tham gia MXH đối với những chia sẻ của mình; những tình huống có thể xảy ra. Điều này cũng nên đưa vào môn học kỹ năng sống ở trường. Các thầy cô có thể cùng các em phân tích, xử lý các tình huống thường gặp trên mạng. Ngoài ra, cần khuyến cáo các em, để bảo vệ an toàn của bản thân, các bạn bè và gia đình, rất nên chia sẻ tư vấn cùng người lớn khi gặp vấn đề rắc rối, không nên im lặng chịu đựng hoặc âm thầm tự giải quyết. Với các em học sinh, hãy biết chăm sóc mối quan hệ bên ngoài để nhận được cảm xúc tích cực từ cuộc sống thật./.

 “Nhà trường cần giáo dục các em có kỹ năng ứng xử ở MXH cho đúng mực: Không sử dụng ngôn ngữ thiếu lành mạnh khi bình luận hay đăng các bài viết trên MXH; không phê phán chỉ trích, xúc phạm cá nhân và tập thể trên MXH. Các trường học nên có một bộ phận theo dõi sát sao những hoạt động của học sinh trên FB, từ đó nhận biết dấu hiệu bất bình thường để kịp ngăn chặn những vụ việc ẩu đả. Bên cạnh đó, phải có sự quan tâm kịp thời với những học sinh là nạn nhân trong các vụ đánh nhau đó để tránh sự khủng hoảng tinh thần cho các em”.

Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh, Hà Nội, Thầy Văn Như Cương,