Dù ngành y tế và giáo dục đã có văn bản phối hợp liên ngành phòng chống bệnh dịch tay chân miệng trong các trường học, nhưng ở một số trường mầm non tư thục được mệnh danh “chất lượng cao” tại Hà Nội vẫn có hiện tượng “giấu” bệnh dịch, không tuân thủ đúng các yêu cầu về phòng dịch, khiến bệnh tay chân miệng có nguy cơ lan rộng.

Cho con học tại trường mầm non tư thục chất lượng cao Thăng Long KidSmart với mức học phí gần 3 triệu đồng/tháng nên chị Nguyễn Thị Hoa ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy khá an tâm trước những cam kết của nhà trường về điều kiện vệ sinh, ăn ở của các cháu.

Tuy nhiên, khi con đi học rồi mắc bệnh tay chân miệng (TCM) phải nằm viện, chị Hoa mới biết, con mình là trường hợp thứ 4 bị mắc bệnh nhưng trước đó, nhà trường không thông báo rộng rãi cho các bậc phụ huynh để nâng cao ý thức phòng dịch. Nhà trường sau này có gửi lời xin lỗi những gia đình có con bị bệnh nhưng theo chị Hoa, điều quan trọng là các trường tư thục không nên giấu bệnh dịch mà phải công khai thông tin để gia đình biết cách phòng tránh cho trẻ. 

Theo ngành y tế, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Hà Nội có gần 2.000 trẻ mắc bệnh TCM, trong đó chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi. Hiện nay, mỗi ngày, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khám và điều trị khoảng 20 trẻ bị TCM, trong đó, khoảng 30% là các bé mẫu giáo tại Hà Nội.

Hy vọng nhà trường luôn kịp thời công khai đến các bậc phụ huynh khi có dịch và thất vọng khi trường “chất lượng cao” - nơi con mình đang theo học với mức phí tiền triệu lại tỏ ra thụ động khi ứng phó với bệnh TCM là điều chúng tôi ghi nhận được từ người thân, các bậc phụ huynh của các bé đã và đang điều trị tại một số bệnh viện, khoa nhi tại Hà Nội.

Chị Phương Hoa ở phường Thành Công cho biết, chị không nhận được thông báo về tình hình dịch bệnh tại trường mầm non tư thục nơi con chị học. Hiện nay, con chị Hoa đang bị TCM độ 2A, phải nằm viện theo dõi, điều trị. Anh Thanh Nam, phụ huynh của cháu Văn Mạnh, 5 tuổi, phản ánh, khi con bị TCM, anh đã báo ngay với trường mầm non tư thục L.Q nơi con học để nhà trường tăng cường vệ sinh, nhưng vài hôm sau, anh Nam biết tin là trường vẫn không có “động thái” gì tích cực hơn để phòng bệnh dịch cho trẻ…

Chị Thu Hòa, phụ huynh cháu Vân An, 3 tuổi, ở phường Nghĩa Tân bày tỏ lo lắng, bệnh dịch TCM rất dễ tái nhiễm, nếu nhà trường chỉ lo việc thu hút được nhiều trẻ đi học mà không quan tâm bảo vệ sức khỏe của các bé thì bệnh dịch càng dễ lây lan, bùng phát.

Để tìm hiểu về việc kiểm tra, giám sát, tăng cường phòng chống dịch TCM tại các trường mầm non tư thục trên địa bàn thành phố, chúng tôi đã liên hệ với Sở GD-ĐT Hà Nội nhưng chỉ nhận được câu trả lời: Các cán bộ chuyên trách đang bận đi công tác và nghỉ phép.

Lý do khiến một số trường mầm non tư thục tìm cách giấu dịch, theo lời cô giáo phụ trách y tế tại một trường mầm non chất lượng cao ở Hà Nội, chủ yếu do áp lực doanh thu. Nếu nhà trường thông báo rộng rãi về tình hình nhiễm bệnh của các bé, sẽ có nhiều gia đình cho trẻ nghỉ dài ngày, vì thế, “đời sống” của nhà trường sẽ không đảm bảo.

Theo đề nghị của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nếu các lớp học có từ 2 trẻ trở lên mắc bệnh TCM trong vòng 7 ngày, nhà trường cần cho cả lớp nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng. Tuy nhiên, sẽ rất khó có trường mầm non tư thục chất lượng cao nào thực hiện đề xuất này.

Bệnh dịch TCM trong trường mầm non có khống chế được hay không, theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, phụ thuộc rất nhiều vào ý thức phòng dịch của các nhà trường. Bác sỹ Hải phân tích, nếu lớp học có một bé bị bệnh TCM, trường sẽ tập trung vào xử lý các ổ dịch, các nguồn bệnh rất đơn giản bằng cloramin B rồi hướng dẫn các bà mẹ cách rửa tay, chăm sóc, vệ sinh cho trẻ thì việc khống chế dịch bệnh sẽ trở nên đơn giản.

Trường nào càng cố tình giấu dịch, không thực hiện các biện pháp can thiệp, phòng ngừa bệnh dịch thì bệnh càng có nguy cơ bùng phát và khi đó, hậu quả sẽ rất khó lường./.