Nháo nhào vì “thông tin nhiễu”

Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, qua 2 ngày đầu tiên thực hiện đăng ký dự thi (bắt đầu đăng ký từ ngày 1/4), tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ ở một số địa phương đã có những thí sinh kê khai nguyện vọng đăng ký dự thi chưa chính xác về mã trường, mã ngành, mã tổ hợp xét tuyển.

Trong khi đó Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, việc ghi sai mã ngành, mã trường, hồ sơ sẽ bị loại. Thông tin này khiến nhiều phụ huynh, học sinh xôn xao, lo lắng vì đã nộp hồ sơ.

tu_sinh_vfby.jpg
Nhiều phụ huynh, học sinh xôn xao, lo lắng vì đã nộp hồ sơ do mã ngành chưa chính xác
Dư luận xôn xao, lo lắng là có cơ sở, bởi mới đây Báo VOV nhận được phản ánh, cuốn sách “Những điều cần biết về tuyển sinh đại học hệ chính quy, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2017 (tập 1 và 2)” thiếu và sai lệch thông tin, khiến phụ huynh và học sinh gặp khó khăn, phiền phức khi  không biết tin vào đâu để ghi thông tin vào hồ sơ.

Em N, học sinh Trường Nguyễn Huệ (Hà Đông, Hà Nội), đăng ký vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền, với mã tổ hợp môn thi M17. Thế nhưng, khi em N tra lại bảng tổ hợp môn xét tuyển sinh đại học, cao đẳng tại cuốn sách này thì lại không tìm được tổ hợp môn là những môn học mà em dự định đăng ký thi, xét tuyển.

Tương tự như vậy, ngành báo chí (chuyên ngành quay phim truyền hình) cũng không tìm được tổ hợp các môn năng khiếu từ mã M22 - M25. “Sách được cho là của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành do nhiều giáo sư, tiến sĩ biên soạn tại sao lại thiếu thông tin, cẩu thả đến như vậy” - một phụ huynh bức xúc.

Chưa hết, theo điều tra của phóng viên mã ngành, mã tổ hợp môn trong cuốn sách này không giống mã ngành, mã tổ hợp môn đã được các trường đại học, cao đẳng công bố trên trang web và cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD - ĐT. Ngay trong ngày 4/4, nhiều học sinh lớp 12 tại TP. Hồ Chí Minh đã phản ánh trên diễn đàn tuyển sinh tình trạng trên. Nữ sinh tên Lan cho biết, dự định nộp đơn xét tuyển vào Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) ngành Kinh tế học.

Trong cuốn sách này, mã ngành Lan chọn được in là: Tên ngành: Kinh tế (Kinh tế học, Kinh tế và Quản lý công) - Mã ngành: 52310101. Thế nhưng, trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD - ĐT và cổng tuyển sinh của Đại học Kinh tế - Luật, mã của ngành trên là 52310101_401, ngành Kinh tế và Quản lý công là 52310101_403.

“Em rất hoang mang, lo lắng vì không biết phải viết mã ngành theo tài liệu nào cho đúng”, nữ sinh này bày tỏ.

Một số học sinh lớp 12 khác cũng phát hiện sai sót tương tự ở trang in thông tin trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM. Trong khi nhóm ngành kỹ thuật công trình xây dựng; kỹ thuật xây dựng công trình giao thông… có mã ngành là 115 thì trong tài liệu trên, mã ngành kỹ thuật xây dựng công trình là 52580201, mã ngành kỹ thuật công trình giao thông là 52580205.

Không chỉ có sách sai mà ngay trên trang web của nhiều trường thông tin cũng bị sai. Cụ thể, đối với mã ngành trình độ đại học năm trước dùng là D nhưng năm nay được thay bằng số 52 ở đầu mã ngành, trình độ cao đẳng trước là C năm nay thay bằng số 51. Thế nhưng trên trang web nhiều trường vẫn giữ nguyên mã ngành cũ mà chưa cập nhật mã mới. Trên trang tuyensinh247.com đã có hàng nghìn ý kiến của thí sinh bày tỏ sự lo lắng, băn khoăn khi phát hiện nhiều mã ngành bị sai.

 Nhiều em hoang mang, kêu cứu vì đã trót nộp hồ sơ rồi giờ không biết phải sao. Nick name Phạm Tấn Sang viết: “Đến thời điểm này hồ sơ đã hoàn thành và gửi hết rồi. Biết sửa như thế nào hay viết lại bộ hồ sơ mới để nộp lại. Không biết tất cả các trường thay đổi mã hay chỉ vài trường?!”.

Truy tìm “thủ phạm”

Theo tìm hiểu của phóng viên, cuốn sách “Những điều cần biết về tuyển sinh đại học hệ chính quy, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2017” có 2 tập do các tác giả cùng Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Hà Tây trực thuộc Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn. Tập 1 có thông tin của các trường thuộc các tỉnh phía Bắc (từ tỉnh Quảng Trị trở ra). Tập 2 có thông tin của các trường thuộc các tỉnh phía Nam (từ Thừa Thiên Huế trở vào).

Ngay sau khi được phát hành, cuốn sách này gần như “cháy hàng” tại các trung tâm bán sách ở khu vực Đại học Bách khoa, và ở phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội). Tại một cửa hàng, khu vực Đại học Bách Khoa, trên cánh cửa kính ghi rõ “Bán sách Những điều cần biết tuyển sinh đại học, cao đẳng 2017”. Thế nhưng, một nữ nhân viên của cửa hàng này cho phóng viên biết, chỉ vài ngày qua cửa hàng đã tiêu thụ hết hàng trăm cuốn sách, giờ không còn sách để bán.

Tại Trường THPT Thăng Long, một giáo viên cho biết, nhà trường bán theo số lượng mà học sinh đã đăng ký, nên không có sách để bán ra ngoài. Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, dù giá sách in là 45.000 đồng/quyển nhưng thực tế các cửa hàng đang bán ra với giá 50.000 - 55.000 đồng/quyển.

Như đoán được vẻ ngạc nhiên của phóng viên trước sự “cháy hàng” của cuốn sách “Những điều cần biết…, nhiều phụ huynh, học sinh khẳng định, hoàn toàn đặt niềm tin và coi cuốn sách này là cẩm nang giúp thí sinh tìm hiểu thông tin các ngành nghề để làm hồ sơ đăng ký dự thi. Riêng đối với cuốn sách “Những điều cần biết về tuyển sinh đại học hệ chính quy, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2017”, ngay phần Lời nói đầu, các tác giả đã khẳng định: “Tài liệu này được sưu tầm, tuyển chọn và cập nhập đến ngày 20/3/2017 trên cơ sở thông tin đã công bố công khai trên các phương tiện truyền thông và các thông tin do các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc cung cấp và chịu trách nhiệm”.

Chị Liên, nhà ở Đội Cấn (Hà Nội) cho hay, việc cuốn sách khẳng định “chắc như đinh đóng cột” các trường cung cấp thông tin và chịu trách nhiệm khiến nhiều phụ huynh, học sinh tin tưởng mua cuốn sách này. “Ai ngờ, cuốn sách do nhiều giáo sư, tiến sĩ đứng tên lại có nhiều “hạt sạn” to tướng, thông tin thiếu, sai lệch, ảnh hưởng tới việc các cháu học sinh khai báo hồ sơ. Việc này, ai sẽ phải chịu trách nhiệm?…” - chị Liên bức xúc.

Ở một diễn biến khác, xác nhận với phóng viên, một cán bộ Ban tuyển sinh của Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho hay, có khá nhiều thí sinh liên hệ, phản ánh thắc mắc giống như trường hợp của em N và nhận được khuyến cáo, thí sinh chỉ lấy thông tin theo trang web của Học viện. Điều đáng nói, trái ngược với khẳng định của cuốn sách là các trường đại học, cao đẳng cung cấp và chịu trách nhiệm thì một cán bộ trong Ban tuyển sinh của Học viện Báo chí và Tuyên truyền phản bác: “Những thông tin sai sót của cuốn sách nêu trên, trường không chịu trách nhiệm vì không biết  ai cung cấp thông tin này cho nhà xuất bản...”.

TS. Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết, toàn bộ mã ngành của trường in trong tài liệu trên là không chính xác. Trường xét tuyển theo nhóm ngành, việc phân ngành sẽ thực hiện vào năm thứ hai. Do đó, sẽ có nhiều ngành trong một nhóm ngành và thí sinh chỉ cần ghi tên một ngành nếu có nhiều tên ngành trong nhóm. “Chúng tôi khuyến cáo thí sinh chỉ xem mã ngành xét tuyển trên trang tuyển sinh của trường và cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT”, ông Thông cho hay.

Phát hành, kinh doanh sách theo kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” đang gây ra những bức xúc trong dư luận phụ huynh, học sinh. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về sự việc này?./.

Để tránh sai sót ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh, Bộ GD-ĐT lưu ý, các thí sinh phải nghiên cứu kỹ quy chế thi, quy chế tuyển sinh, các văn bản hướng dẫn liên quan và đặc biệt cần tìm hiểu rõ thông tin tuyển sinh của trường mà thí sinh có nguyện vọng đăng ký trong Đề án Tuyển sinh của từng trường đã được công bố công khai trên Trang thông tin điện tử của trường và tại Cổng Thông tin Tuyển sinh của Bộ GD-ĐT (địa chỉ thituyensinh.vn).

Gần một triệu thí sinh trên cả nước đã tiến hành làm thủ tục đăng ký dự thi THPT Quốc gia từ ngày 1/4. Thế nhưng, mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, qua 2 ngày nhận hồ sơ đăng ký dự thi, nhiều hồ sơ đã bị loại do kê khai chưa chính xác... Nguyên nhân do đâu?