Đó là lưu ý của ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo trước thắc mắc của một số thí sinh trong quá trình đăng ký dự thi THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng.
Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT quy định, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và chọn 1 trong số 2 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Thí sinh có thể đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp; điểm bài thi nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Nếu bỏ không thi bài thi tổ hợp đã đăng ký dự thi, thí sinh không được xét tốt nghiệp THPT (ảnh minh họa) |
Theo Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Trần Văn Nghĩa, việc cho phép thí sinh đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp chính là khuyến khích các em học toàn diện hơn, tạo cho thí sinh nhiều cơ hội trong xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Khi thí sinh đăng ký cả 2 bài thi tổ hợp, các hội đồng thi phải chuẩn bị đầy đủ đề thi, phòng thi, cán bộ coi thi.
Trước câu hỏi của một số thí sinh về việc có được xét công nhận tốt nghiệp không nếu đăng ký bài thi tổ hợp nhưng bỏ không dự thi bài thi tổ hợp đó, ông Trần Văn Nghĩa khẳng định, thí sinh đã đăng ký dự thi bài thi tổ hợp nào thì phải dự thi hết các môn thành phần của bài thi tổ hợp đó. Nếu không dự thi sẽ được coi là bỏ thi bài thi đã đăng ký để xét tốt nghiệp nên vì vậy thí sinh sẽ không được xét công nhận tốt nghiệp.
Ông Trần Văn Nghĩa cũng cho rằng, quy định này cũng giúp thí sinh hạn chế tình trạng dự thi phân tán, ôm đồm, tốn sức lực, thời gian mà kết quả không cao./.
Kỳ thi THPT Quốc gia 2017: Danh sách máy tính được mang vào phòng thi
Bộ Giáo dục lưu ý thí sinh tránh nhầm lẫn khi đăng ký bài thi tổ hợp