Ngày 10/12, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên phủ trên không” (12/1972 - 12/2012). Những cựu chiến binh từng tham chiến trong đã có buổi giao lưu trao đổi ôn lại trận đánh huy hoàng, tại nên dấu mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc.
Theo Trung tướng Phạm Tuân: Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã hứng chịu nhiều thất bại, 3 đời tổng thống Mỹ bị đổ, những chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, Chiến tranh cục bộ và Chiến tranh đặc biệt đều đã bị phá sản.
Theo Trung tướng Phạm Tuân tại buổi tọa đàm (Ảnh: Chinhphu.vn) |
Trước nguy cơ thất bại thảm hại, Mỹ chỉ còn con át chủ bài là B52. Chúng dùng B52 để đánh Hà Nội hòng ngăn chặn sự chi viện của ta cho miền Nam và uy hiếp nhân dân ta cũng như giành lợi thế trên bàn đàm phán ở Paris
B52 là máy bay ném bom chiến lược tầm xa, cự ly bay hàng chục ngàn km, mang tới 30 tấn bom, xen kẽ bom tấn, bom tạ, bom bi, một tốp 3 chiếc B52 có thể san bằng diện tích 2km2. Vì vậy, B52 được dùng để ném bom chiến lược các mục tiêu diện rộng sân bay, thành phố, trung tâm chính trị, bến cảng.
Bom tấn phá hầm ngầm, bom tạ phá hầm trú ẩm, bom bi sát thương người khi không còn chỗ trú ẩn. Ngoài ra, B52 còn sử dụng cả tên lửa, đồng thời, B52 lại được bảo vệ bởi các máy bay tiêm kích đánh vào trận địa tên lửa, ném bom các sân bay không cho tiêm kích của ta cất cánh.
Nhớ lại thời khắc chiến đấu trên bầu trời Hà Nội với “Pháo đài bay B52” Trung tướng Phạm Tuân cho biết, lúc đó ông không khỏi hồi hộp, lo lắng.
Trung tướng Phạm Tuân cho biết, ông đã gặp B52, xung quanh hàng chục chiếc F4. “Đến khi phóng được quả tên lửa đi mới thở phào nhẹ nhõm và lúc ấy thì mặc kệ F4 xung quanh, không còn lo lắng gì nữa”, Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại.
Trong 12 ngày đêm, Mỹ sử dụng 193 B52 và hơn 1.000 máy bay chiến thuật. Trung bình mỗi đêm, Mỹ đánh vào Hà Nội 50-70 lượt B52, cao điểm lên đến 100 lượt. Ngoài ra, mỗi đêm trung bình 300 lượt, cao điểm 450 máy bay chiến thuật đánh phá để yểm trợ.
Với tầng tầng lớp lớp B52 cùng với hàng loạt máy bay yểm trợ, nhưng quân đội Việt Nam cũng đã bắn hạ được “Pháo đài bay” bất khả xâm phạm này. Theo Trung tướng Phạm Tuân, chiến thắng đấy là nhờ sự sáng tạo của bộ đội ta.
Nga sản xuất máy bay và dạy chúng ta cách bay nhưng đối diện với thực tế bị nhiễu bởi sóng và mây nên việc xác đinh vị trí của B52 rất khó khăn. Bởi vậy khi lên trời, phi công phải nhanh chóng đi vào điều kiện thuận lợi. Chúng ta phải phán đoán F4 thường chặn ở đâu, tầm cao nào để tránh.
“Trận đánh B52 của tôi rất nhanh, tiếp cận B52 chưa đầy 1 phút. Khi tiếp cận đằng sau B52 với tốc độ rất cao, 1.500 km/h so với tốc độ của B52 là 900 km/h. Lúc đó, mệnh lệnh là không đánh F4, chúng ta vượt qua nó, dành tên lửa để đánh B52. Khi tên lửa bắn F4, chúng tôi tranh thủ để vượt qua, rồi lựa chọn hướng vào tiếp cận B52. Tất cả tạo nên điều kiện thuận lợi nhất đánh B52. Tôi bắn B52 xong rồi mà F4 vẫn ở đằng sau nhưng không làm gì được”, Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại.
Bên cạnh đó, Trung tướng Phạm Tuân cho biết, để thực hiện việc đối không với “pháo đài bay” chúng ta cất cánh ở sân bay địch không ngờ tới để không bị chặn ở đầu đường băng. “Tôi cất cánh đêm 17/12, anh Thiều đêm 18/12, mang máy bay về sân bay Cẩm Thủy, không cất cánh ở Hà Nội. Đấy là cách để chúng ta tránh địch chặn đánh ở ngay sân bay”, Trung tướng Phạm Tuân cho biết.
Theo Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu: Mỹ có nhiều trang bị vũ khí hiện đại, kể cả B52, trong khi nền kinh tế chúng ta còn thấp kém, song chúng ta đã đánh thắng không quân Mỹ, kể cả súng trường còn bắn rơi máy bay các loại.
Vì sao chúng ta ta chiến thắng? Vì dưới sự lãnh đạo của Đảng, với quyết tâm sắt đá đánh Mỹ cho đến thắng lợi hoàn toàn. Bác Hồ nói cuộc kháng chiến có thể kéo dài 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa, nhưng chúng ta sẽ chiến thắng và khi thắng lợi sẽ xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn./.