Trong 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không", quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F 111 và 42 máy bay chiến thuật khác, đập tan âm mưu chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải chấp nhận thất bại hoàn toàn trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Thắng lợi của quân dân ta trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không", là cuộc đọ sức quyết liệt nhất từ trước tới nay. Nghệ thuật tác chiến phòng không hiệp đồng chiến đấu đã chứng tỏ sức mạnh tổng hợp của lực lượng phòng không, trong đó không quân nhân dân Việt Nam…
Ngày 27/12, sau 10 ngày phá hoại miền Bắc, chiếc B52 đầu tiên của Mỹ đã bị không quân ta bắn rơi. Người bắn rơi chiếc máy bay này là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân – huyền thoại của không quân Việt Nam.
MIG - 21 số hiệu 5121, chiếc máy bay này do anh hùng Phạm Tuân lái (Ảnh: giaoduc) |
Ngay trong đêm 27/12, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã điện khen bộ đội không quân lập công xuất sắc, bắn rơi máy bay chiến lược B52 của Mỹ.
Ngày 28/12, Thượng uý phi công Vũ Xuân Thiều lại “hạ” được một chiếc B52 nữa. Tuy nhiên, anh đã anh dũng hy sinh khi lao thẳng chiếc MIG của mình vào B52.
Vũ Xuân Thiều nói trước khi xuất kích: “Bắn mà B52 địch không rơi tại chỗ, tôi sẽ xin lao thẳng vào nó”. Anh đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Một đường phố ở Hà Nội cũng đã được đặt theo tên anh: Phố Vũ Xuân Thiều.
Đó là những chiến tích không thể nào quên trong rất nhiều chiến công của các chiến sĩ phi công Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tính đến ngày chiếc B52 cuối cùng của Đế quốc Mỹ bị bắn hạ trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, quân chủng không quân của ta mới chỉ thành lập được vỏn vẹn 8 năm.
Nhưng với sự dũng cảm phi thường, sự mưu trí và quyết tâm bảo vệ bầu trời Tổ quốc, những chiến sĩ phi công của chúng ta đã lập nên những chiến công vang danh sử sách, là nỗi khiếp sợ của không quân Hoa Kỳ - lực lượng không quân hiện đại bậc nhất thế giới.
Ngày 3/2/1964 là ngày Trung đoàn không quân 921 – sau này được gọi với tên “Trung đoàn không quân Sao Đỏ” được thành lập.
Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan – một trong những phi công thế hệ đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam vẫn nhớ như in những hình ảnh ngày đầu thành lập phi đội. Nhìn bức ảnh kỷ niệm những ngày đầu thành lập phi đội, Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan bồi hồi nhớ lại: “Bức ảnh kia là phi đội của tôi, là phi đội đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ trên miền Bắc. Tôi là người đầu tiên hạ gục máy bay Mỹ”.
Cùng với trận đánh oanh liệt ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 28/4/1975, với Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan, chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” là hai kỷ niệm hào hùng không thể nào quên của ông và đồng đội.
Tuy chỉ là một thợ máy, nhưng với ông Hoàng Văn Thảo, những kỷ niệm thời trai trẻ với Trung đoàn Sao Đỏ, với từng chiếc máy bay, với từng người phi công trong thời điểm giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc vẫn in đậm trong tâm trí.
Khi đó ông và các đồng đội căng hết sức mình để đảm bảo bất kỳ chiếc máy bay nào cũng sẵn sàng chiến đấu. Ông vẫn luôn tin tưởng rằng nhân dân Việt Nam, quân đội nhân dân Việt Nam, không quân Việt Nam sẽ chiến thắng bằng sức mạnh ý chí, sự đoàn kết dân tộc.
Ngày nay, tiếp nối truyền thống của những phi công thế hệ đầu tiên, những phi công “Quyết thắng” vẫn tiếp tục viết lên những trang sử mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Thượng tá Nguyễn Văn Lượng - Trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân 921 (cũng là tên gọi của Trung đoàn không quân Sao Đỏ) nói: “Tiếp nối truyền thống của các lớp cha anh đi trước, Trung đoàn quyết tâm cố gắng vượt qua khó khăn luôn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Nhiều năm liền trung đoàn đạt đơn vị quyết thắng, đảng bộ trong sạch vững mạnh. Là lớp cán bộ phi công thế hệ sau, chúng tôi luôn trân trọng và quyết tâm tiếp bước cha anh đi trước khắc phục mọi khó khăn và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”./.