Azerbaijan và Việt Nam vốn có mối quan hệ sâu đậm trong lịch sử, từ năm 1959 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm quốc gia ở vùng Nam Kavkaz này. Khi ấy Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn Azerbaijan – vốn có thế mạnh về dầu khí – sẽ giúp Việt Nam đào tạo cán bộ trong lĩnh vực này.
Thế rồi quan hệ giữa hai nước bị gián đoạn một thời gian sau biến cố Liên Xô sụp đổ năm 1991 (Azerbaijan là một nước cộng hòa trong Liên Xô cũ). Sang thế kỷ 21, mối quan hệ giữa hai quốc gia đã được tăng cường trở lại, đặc biệt là sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tới Việt Nam vào tháng 5/2014.
Xuất phát từ nhu cầu kết nối các chuyên gia, các lưu học sinh và những người bạn giữa hai đất nước, ý tưởng về một trung tâm chuyên nghiên cứu lịch sử và văn hóa Azerbaijan dần phôi thai.
Theo Tiến sĩ Ngô Thị Kim Thư, một trung tâm như vậy đã được chính thức thành lập vào tháng 7/2014, với tư cách là một đơn vị thuộc Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý nằm trong Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Ngoài ra, bà Thư nói, Trung tâm sẽ triển khai giới thiệu những giá trị truyền thống về văn hóa và lịch sử của Việt Nam và Azerbaijan để phổ biến ở mỗi nước, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau của nhân dân 2 nước và góp phần vào hoạt động đối ngoại nhân dân.
Tới dự buổi lễ ra mắt Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Azerbaijan, cả Đại sứ Azerbaijan tại Việt Nam Anar Imanov lẫn Tiến sĩ Nghiêm Vũ Khải - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và hiện là Trưởng Ban liên lạc Cựu Sinh viên Việt Nam tại Azerbaijan, đều đánh giá cao ý nghĩa của sự kiện trong việc thúc đẩy quan hệ song phương.
Những ký ức đẹp
Đại sứ Imanov bồi hồi nhắc lại những kỷ niệm đẹp trong quan hệ giữa hai nước trong thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước. Hồi đó đất nước Việt Nam còn nghèo và nhiều khó khăn, lại còn đang trong chiến tranh nữa. Azerbaijan đã cung cấp nhiều học bổng cho du học sinh Việt Nam sang đó học tập.
Ông Imanov xúc động trước các sinh viên Việt Nam chịu thương chịu khó. Mặc dù học bổng mỗi người bị giảm đi 1/3 nhưng ông nói, các sinh viên Việt Nam tiếp tục chia số tiền còn lại đó làm 2 phần, dành một phần gửi về gia đình và quê hương lúc đó đang gian khó. Vị đại sứ kết luận: Các sinh viên Việt tuy đang ở nước ngoài nhưng vẫn chiến đấu vì tổ quốc mình, ra sức rèn luyện kỹ năng để sau này sẽ phát triển đất nước.
Từ câu chuyện quá khứ, Đại sứ Imanov hồi tưởng lại chuyến thăm Việt Nam mới đây của Tổng thống Azerbaijan Aliyev. Trong chuyến thăm chính thức này, ông Aliyev cũng đã có buổi gặp gỡ với các cựu sinh viên Việt Nam từng du học ở Azerbaijan trước đây trong không khí mà như lời ông Imanov miêu tả là rất thân tình, chân thành, cởi mở.
Đại sứ Azerbaijan cho biết, những người dự buổi gặp gỡ, bao gồm Tổng thống Aliyev và các quan chức tháp tùng ông, có thể cảm nhận rất rõ tình cảm sâu đậm dành cho họ từ phía những người Việt từng học ở Azerbaijan cách đây đã lâu lắm rồi.
Nhân dịp ra mắt Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Azerbaijan, Đại sứ bày tỏ mong muốn cơ sở nghiên cứu này sẽ không chỉ giới hạn vào lĩnh vực văn hóa và lịch sử mà còn mở sang nhiều lĩnh vực khác như giáo dục (giới thiệu các suất học bổng cho sinh viên Việt Nam chẳng hạn…), làm cầu nối giữa hai dân tộc.
Hiểu biết nhau hơn từ một cuộc thi
Đầu năm 2014, Đại sứ quán Azerbaijan tại Hà Nội đã phát động một cuộc thi viết tiểu luận bằng tiếng Anh về Azerbaijan dành cho giới trẻ Việt Nam. Đã có 10 bạn trẻ Việt Nam đoạt giải này và được sang trải nghiệm ở Azerbaijan trong khoảng 10 ngày cùng với các bạn bè quốc tế khác.
Dương Minh Hoàng, sinh viên Đại học Hà Nội, là một trong 10 bạn trẻ Việt Nam nói trên được mời tới dự buổi lễ ra mắt Trung tâm NCLS & VH Azerbaijan. Hoàng cho biết em rất ấn tượng về nền văn hóa rất đặc trưng của Azerbaijan - một nền văn hóa giao thoa giữa Á và Âu, Đông và Tây, truyền thống và hiện đại.
Hoàng bảo, cảnh tượng ở đó thật tươi đẹp, không khí trong lành, dễ chịu. Đặc biệt, cậu nói, đường phố sạch sẽ, người dân địa phương rất có ý thức không xả rác ra đường. Không chỉ vậy, theo Hoàng, người dân Azerbaijan còn vô cùng thân thiện, nhiệt tình giúp đỡ đoàn Việt Nam và hay hỏi thăm về tình hình Việt Nam.
Chàng sinh viên khoa tiếng Anh chia sẻ thêm, Học viện Ngoại giao Azerbaijan nơi cậu được trao giải thưởng cuộc thi, đã gây ấn tượng mạnh cho em về sự khang trang, tính chuyên nghiệp, cũng như mức học phí rất “cạnh tranh” của một cơ sở giáo dục quốc tế hàng đầu tại đây. Hoàng nói, sau này nếu học lên thạc sĩ, đây sẽ là một sự lựa chọn của mình./.
Xem thêm: