Nhiều thông tin liên quan đến bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona vẫn chưa được biết, do đó, để ứng phó với dịch bệnh này tại Việt Nam, trước mắt cần tập trung nguồn lực để triển khai một số hướng nghiên cứu cấp bách như: nghiên cứu bộ thử (test kist) phục vụ cho công tác chẩn đoán bệnh, cũng như đánh giá tổng thể dịch tễ học để có cái nhìn đầy đủ. Đây là đề xuất của các nhà khoa học tại buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), chiều nay (30/1), tại Hà Nội.

vov_virus_corona_erwr.jpg
Bộ KH&CN làm việc cùng các nhà khoa học về ứng phó với dịch viêm phổi cấp do virus corona.

Tại buổi làm việc, các nhà khoa học nhấn mạnh, dịch bệnh viêm phổi lạ do chủng mới của virus corona đang bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới (nhất là ở Trung Quốc) là hết sức nghiêm trọng. Nếu xét theo đúng quy định của Tổ chức Y tế thế giới WHO thì đây được xem là đại dịch (trên 02 châu lục có người bị bệnh). Việt Nam cũng đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh và nhiều trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới trung ương, chủng virus corona mới ưa lạnh, thời gian ủ bệnh lên đến 14 ngày (trong khi đó hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS thời gian ủ bệnh là 5-7 ngày). Đây là đặc tính của biến chủng mới nên cần phải hết sức lưu ý.

"Chúng tôi đang suy nghĩ về dịch tễ, bùng phát ở miền Nam dễ khống chế hơn… Miền Bắc đang ẩm, nồm, lạnh, nếu bùng phát, cần phải đặc biệt lưu ý. Miền Bắc lại có nhiều lễ hội nhất là trong tháng Giêng này, nếu như có 1 bệnh nhân trong đó thì sẽ bùng phát, lây ở thời điểm sốt nhiều nhất", GS Nguyễn Văn Kính nhấn mạnh.

Cũng theo các nhà khoa học, về lý thuyết, trong thời gian ủ bệnh, nồng độ virus cao dần từ lúc nhiễm đến lúc biểu hiện bệnh lâm sàng là cao nhất.

PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho hay, một số thông tin chưa chính thức tại Nhật Bản, 02 công dân trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc) mặc dù không có biểu hiện lâm sàng nhưng vẫn dương tính với corona. Điều này cho thấy, hình thái dịch tễ học của bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona mới là rất khó.

"Cần phải đánh giá dịch tễ, khi bị lâm sàng thì khống chế được nhanh nhưng với biểu hiện lâm sàng vừa phải, theo quy luật của sinh học thì lây lan mạnh hơn. Lâm sàng vừa phải, khả năng tiên lượng của bệnh này sẽ có lưu hành. Nếu chúng ta tìm hiểu các dịch tễ học, chúng ta có thể chạy đua thế giới… làm sớm góp phần cung cấp bức tranh dịch tễ học của bệnh cho thế giới", PGS.TS Phan Trọng Lân đề xuất.

Các nhà khoa học cũng nhấn mạnh, hiện nay, nhiều thông tin về bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona mới vẫn chưa được biết rõ ràng như nguồn lây, đường lây, chẩn đoán… gây khó khăn cho công tác ứng phó.

Do đó, bên cạnh hướng nghiên cứu dịch tễ học của bệnh, các nhà khoa học cũng đề xuất, trước mắt cần tập trung nghiên cứu bộ thử (test kist) phục vụ cho công tác sàng lọc, chẩn đoán bệnh, để từ đó có phương án kiểm soát, và trên cơ sở nghiên cứu đánh giá dịch tễ học để xây dựng phác đồ điều trị.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng, Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế cho rằng: "Chúng tôi đề xuất làm test kist… Tiếp đó là tiến hành nghiên cứu ngay đặc điểm dịch tễ học, tìm nguồn lây, đường lây ở Việt Nam như nào, virus học, phân tử sinh học. Đấy là khía cạnh về phòng bệnh. Còn về khía cạnh điều trị nghiên cứu triệu chứng lâm sàng, điều trị, cần đầu tư ngay cho việc này… đầu tư tổng thể, sau này nếu có sản xuất vaccine ta mới có tư liệu cần thiết".

Các nhà khoa học cũng cho rằng, công tác nghiên cứu vaccine cũng cần phải được tiến hành song song với việc đánh giá dịch tễ học và nghiên cứu làm test kist.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đề xuất của các nhà khoa học, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc khẳng định, ngay sau buổi làm việc, Bộ sẽ triển khai ngay các hướng nghiên cứu mà các nhà khoa học đề xuất, nhằm đáp ứng công tác phòng chống dịch./.