Việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Bộ Chính trị chỉ thị lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp từ ngày 2/1- 31/3/2013.

Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 4,5 triệu người làm ăn, sinh sống ở gần 100 nước và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% ở các nước công nghiệp phát triển. Kiều bào là một bộ phận không tách rời của dân tộc. Do đó, việc lấy ý kiến nhân dân, trong đó có bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng, khẳng định vai trò quan trọng của Kiều bào trong việc xây dựng Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp - một công việc hệ trọng của quốc gia.

Phóng viên VOV online phỏng vấn một số Kiều bào góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

ong-lam.jpg
GS-TSKH Trần Đình Lâm

GS-TSKH Trần Đình Lâm, Viện sĩ Thông tấn, giảng viên trường ĐH Sư phạm quốc gia Abai tại Cộng hòa Kazakhstan:

Cộng hòa Kazakhstan có một nền giáo dục tương đối tốt và chế độ đãi ngộ đối với người tài cũng rất cởi mở. Mặc dù có nhiều ưu đãi nhưng nhiều nhà khoa học đều muốn quay trở về quê hương cống hiến và làm việc. Tuy nhiên, với một nhà khoa học đã 61 tuổi như tôi, nếu quay trở về nước làm việc thì lại rơi vào đội tuổi nghỉ hưu hoặc có thể chỉ đi giảng dạy theo hợp đồng. Còn ở Kazakhstan, tôi vẫn tiếp tục làm việc đến khi nào không còn sức khỏe nữa.

Mặc dù đất nước ta còn nghèo, việc trả lương cho các nhà khoa học như ở các nước trên thế giới là chưa thể nghĩ tới trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, chúng tôi không cần điều đó. Điều chúng tôi cần là môi trường làm việc thuận lợi và có thể phát huy khả năng nghiên cứu, phát hiện và khám phá những cái mới.

Là một Việt kiều, tôi có ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là Đảng và Nhà nước cần tạo môi trường và chính sách thu hút, thuận lợi hơn nữa cho trí thức Việt kiều trở về quê hương làm việc.

Ông Vũ Quốc Nam, Phó Chủ tịch Liên hiệp Người Việt tại CHLB Đức:

Hiện nay, có khoảng 135.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại CHLB Đức. Liên hiệp Người Việt tại CH LB Đức đang kêu gọi bà con Kiều bào đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Ông Vũ Quốc Nam

Đa số bà con đều mong muốn Hiến pháp của Việt Nam phát huy được tính dân chủ, sức mạnh của nhân dân, đóng góp vào được những vấn đề quan trọng của đất nước. Ngoài ra, bà con cũng mong muốn bản Hiến pháp phải làm sao phát huy được sự hiến kế của công dân trong xây dựng đất nước nói chung cũng như trong việc thu hút sự đầu tư, trí tuệ của Việt kiều về nước.

Mặc dù sinh sống ở nước ngoài nhưng tôi thường xuyên theo dõi tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước qua truyền hình và báo điện tử. Tôi thấy rằng, so với 10-15 năm trước, kinh tế Việt Nam đã phát triển rất nhiều. Tuy nhiên, để sự phát triển này thực sự bền vững thì Hiến pháp của Việt Nam cần có những quy định cụ thể để thu hút “chất xám” từ nước ngoài về đầu tư kinh doanh ở trong nước trên nhiều lĩnh vực trọng điểm như: dầu khí, xây dựng, ngân hàng…

Hiện có rất nhiều chuyên gia kinh tế là người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. Nếu chúng ta có chính sách thu hút nhân tài hữu hiệu thì đất nước ta sẽ có được cái “nền” cho sự phát triển bền vững.

Ông Đào Duy Tiến, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Những người trí thức Lê Quý Đôn tại Ba Lan:

Cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Ba Lan hiện có khoảng 30.000 người. Chúng tôi cũng được biết là Bộ Chính trị chỉ thị lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Ông Đào Duy Tiến

Phần lớn bà con ở Ba Lan đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992  là Nhà nước cần có những quy định cụ thể hỗ trợ cho người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài như có thể giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa, ngôn ngữ quê hương.

Hiện nay, cộng đồng người Việt sinh sống tại Ba Lan đang gặp một số khó khăn là làm sao cho thế hệ trẻ mới lớn lên tại nước bạn có thể hòa nhập được phong tục, tập quán Việt Nam. Đặc biệt là những cháu mang hai dòng máu Việt Nam-Ba Lan. Nhiều khi nói chuyện, các cháu không biết nguồn gốc quê hương mình ở đâu, gồm những phong tục, truyền thống đặc trưng nào.

Để khắc phục những hạn chế trên, chúng tôi mong các cơ quan, ban, ngành của Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán, Hội Người Việt Nam tại Ba Lan tạo điều kiện thuận lợi cũng như hỗ trợ kinh phí cho việc giảng dạy tiếng Việt cho trẻ em sinh sống ở Ba Lan được thuận lợi hơn./.